Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thái Hương – ‘Người đàn bà sữa tươi’ quyền lực châu Á

Khi nhận được thông tin lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes, bà Thái Hương – Chủ tịch TH True Milk rất bất ngờ và thú nhận “xấu hổ lắm”.

Chiều 3/3, trong khi chờ gặp bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT TH True Milk, thay vì trà hay cà phê, công ty này mời các nhà báo uống sữa chua. Khi nhận lọ sữa nhỏ từ tay nhân viên của chủ nhà, một vị khách bật cười và nói: “Cái này nhóc nhà mình hay uống mỗi tối”. Trong buổi trao đổi với bà Hương sau đó, đồ uống chính cũng là sữa.

Đồ uống trong buổi trò chuyện với các nhà báo là sữa.   Ảnh: H.L
Đồ uống trong buổi trò chuyện với các nhà báo là sữa. Ảnh: H.L

“Bọn em uống sữa đi” là câu được Chủ tịch TH True Milk nhắc đi nhắc lại trong buổi gặp mặt vì thấy một số vị khách chưa dùng. Chỉ đến cuối buổi, nhân viên của bà Hương mới mang thêm nước trà nhưng là để “tráng miệng”.

Mở đầu câu chuyện, bà Hương chia sẻ: “Khi họ (Forbes) thông báo tôi lọt vào danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, thú thật là tôi cũng ‘xấu hổ lắm’. Tên gọi lớn quá”.

Vì sao bà Thái Hương vào danh sách?

Trước khi nhận được thông báo từ Forbes (tạp chí về kinh doanh nổi tiếng thế giới), bà Hương không biết mình được đưa vào danh sách bình chọn. Khi Forbes công bố, không chỉ Chủ tịch TH True Milk bất ngờ mà nhiều người khác cũng ngạc nhiên về kết quả.

Thực tế, năm 2014 là một năm khó khăn với ngành sữa Việt Nam nói chung. Lãnh đạo một công ty đối tác của TH True Milk cho biết, cũng ngạc nhiên khi bà Hương vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes. “Năm 2014, công ty sữa của chị Hương không có gì nổi bật. Ngân hàng Bắc Á mà chị ấy làm tổng giám đốc cũng ở mức bình thường”, vị này nhận xét.

Điểm sáng mà công ty sữa của bà Hương có được là doanh thu trên 4.000 tỷ đồng (dự kiến trước đó chỉ là 3.700 tỷ đồng) trong bối cảnh thị trường sữa nói chung tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, thương hiệu này vẫn còn rất nhiều khó khăn khi phải đương đầu với các ông lớn như Vinamilk, Dutch Lady.

Một cựu nhân viên Forbes Việt Nam (mới rời tạp chí này vài tuần) cho biết cũng hơi ngạc nhiên. Chị này nói, sẽ rất khó nếu so sánh về độ nổi tiếng cũng như thành tích kinh doanh của bà Hương với những nữ doanh nhân khác từng lọt vào danh sách trước đây.

“Tuy nhiên, chị Hương xứng đáng lọt vào danh sách của Forbes ở khía cạnh có đóng góp mang tính cách mạng với thị trường sữa tươi Việt Nam. Có TH True Milk, thị trường sữa tươi và nuôi bò sữa hoàn toàn khác so với trước”, cựu nhân viên Forbes bình luận.

Về lựa chọn danh sách Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á, người này tiết lộ, bộ phận nghiên cứu của Forbes Mỹ làm việc độc lập, dựa trên các đánh giá phân tích với các tiêu chí riêng. Chị này cho biết: “Không nhất thiết phải là người này nổi tiếng và tốt hơn người kia thì vào danh sách mà nó liên quan đến các tiêu chí ở từng năm và đặc biệt là cần sự xuất hiện của các gương mặt mới”.

Chủ tịch TH True Milk gây sóng gió truyền thông với phát ngôn về ngành sữa.  Ảnh: TH True Milk.
Chủ tịch TH True Milk gây sóng gió truyền thông với phát ngôn về ngành sữa. Ảnh: TH True Milk.

Tạp chí danh tiếng Forbes thì giới thiệu ngắn gọn về đề cử của mình: bà Thái Hương, 57 tuổi, Chủ tịch TH True Milk. Năm 2009, bà Hương gia nhập thị trường sữa với mục tiêu thay đổi bản chất ngành công nghiệp này tại Việt Nam, vốn chủ yếu dùng bột sữa để sản xuất sữa nước.

Tập đoàn TH của bà Hương đầu tư 450 triệu USD vào việc nhập khẩu và nuôi bò để sản xuất chế phẩm sữa tươi với công nghệ Israel. Hiện TH True Milk nuôi 40.000 bò sữa trên diện tích 8.100 hecta và có kế hoạch nâng lên 37.000 hecta. Năm 2014, tập đoàn TH, với phần lớn cổ phần thuộc sở hữu của bà Hương, đạt doanh thu trên 200 triệu USD, chiếm 1/3 thị trường sữa tươi.

TH trở thành đối thủ của Vinamilk - hãng sữa lớn nhất Việt Nam. Tổng giám đốc của Vinamilk là bà Mai Kiều Liên – người cũng lọt vào danh sách Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á như bà Thái Hương nhưng là lần thứ 4 liên tiếp.

Cú ngoặt bất ngờ

Chia sẻ với các nhà báo, bà Thái Hương nhớ lại thời điểm cách đây 7 năm (2008) khi sự cố sữa nhiễm melamine gây chết người ở Trung Quốc nổ ra. “Vào một buổi tối, sau khi xem tivi, tôi cảm thấy bàng hoàng về chất lượng sữa mà người Việt Nam đang uống. Và tôi quyết định: ‘Mình sẽ làm sữa’ dù cũng chưa hiểu biết gì về ngành này”, người phụ nữ mới lọt vào danh sách Forbes Top 50 nói.

Khi họp hội đồng quản trị, bà Hương đưa đề xuất đầu tư vào ngành sữa. “Bị đặt ngược lại câu hỏi: Chị biết gì về ngành sữa mà đầu tư lớn vào đó? Tôi trả lời đơn giản, các công ty sữa ở nước bên cạnh mình (Trung Quốc) làm hàng triệu quả thận trẻ em bị chảy máu…. Mình không nên chậm trễ hơn nữa”, người phụ nữ quyền lực kể lại.

Khoảng gần 2 năm sau, sản phẩm đầu tiên – sữa tươi sạch của TH True Milk ra đời (26/12/2010). Khi xây dựng trang trại bò sữa ở Nghệ An và khởi công nhà máy sản xuất sữa tươi sạch TH, chẳng mấy ai tin bà Hương sẽ thành công. Thương hiệu TH True Milk còn hứng chịu nhiều sóng gió bởi tuyên bố của vị chủ tịch “sẽ làm cách mạng trong ngành sữa tươi sạch ở Việt Nam”…

Trải qua hơn 4 năm, thị trường sữa tươi có sự thay nhất định. Bên cạnh TH True Milk, các doanh nghiệp sữa khác cũng đẩy mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu là đàn bò sữa. Tuy nhiên, bà Thái Hương vẫn là người sở hữu đàn bò sữa lớn nhất Việt Nam.

Đầu tháng 2/2015, Tổ chức kỷ lục châu Á gửi thư xác nhận Trang trại TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An danh hiệu “Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á”.

Theo công bố của TH True Milk, trước khi doanh nghiệp này ra đời, thị trường sữa nước Việt Nam có đến 92% là sữa bột pha lại, giờ còn trên 72% chủ yếu do đóng góp của TH True Milk. Về con số này và liên quan đến câu chuyện sữa sạch gây nhiều tranh cãi, bà Hương tuyên bố: “Hãy cho tôi biết tôi nói sai chỗ nào”.

Giấc mơ sữa của phật tử Diệu Huệ

Trên bàn làm việc của bà Hương để biển pháp danh nhà phật.  Ảnh: Forbes.
Trên bàn làm việc của bà Hương để biển pháp danh nhà phật. Ảnh: Forbes.

Trên bàn làm việc của Chủ tịch TH True Milk tại tầng 6, 60 Lý Thái Tổ (Hà Nội) không thấy biển tên hay chức danh. Ở đó, chỉ có một tấm biển nhỏ với 2 chữ Diệu Huệ - pháp danh của phật tử Thái Hương. Mỗi khi ngớt việc, phật tử Diệu Huệ tìm đến Đức Phật ngay tại phòng làm việc.

Bà Hương tâm sự mình không chơi môn thể thao gì, ngủ chỉ 3 tiếng mỗi tối nhưng ít khi bị stress và sức khoẻ tốt. “Tôi ăn rất ít cơm, chỉ uống sữa vì như vậy cũng đủ chất và vi lượng rồi. Tôi khoẻ có lẽ là nhờ đi lại nhiều”.

Trong khoảng hơn một giờ gặp mặt các nhà báo, gần 60 phút đầu tiên là màn độc thoại của Chủ tịch TH True Milk về hành trình “làm cách mạng trong ngành sữa Việt Nam”. Bà Thái Hương cho biết, hiện thương hiệu này chiếm tới 50% thị phần sữa tươi.

Người tạo ra “cuộc cách mạng trong ngành sữa Việt Nam” nói: “Tôi đọc trong một quyển kinh Phật thì thấy nói rằng, người làm việc tốt mà chưa nói ra việc tốt của mình là chưa tốt. Cần phải nhân việc tốt của mình ra cho nhiều người làm nữa. Cho nên tôi sẽ nghe theo lời Phật dạy và từ nay cố gắng nói nhiều hơn những việc mình làm tốt”.

Trả lời Zing.vn về hiệu quả kinh doanh sữa tươi, bà chủ TH True Milk tiết lộ, mức doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng năm 2014 là vượt so với dự kiến ban đầu nhưng vẫn chưa có lãi.

“Nếu làm sữa với chất lượng khác, chúng tôi sẽ đạt điểm hoà vốn và có lãi nhanh hơn, nhưng điều đó không đúng với mong ước của tôi là làm những ly sữa thực sự tươi và sạch cho người Việt Nam. Thời gian đạt điểm hoà vốn của TH True Milk có thể kéo dài tới 7-9 năm nhưng sau đó thương hiệu sẽ phát triển bền vững cùng với người dân Việt Nam”, bà Thái Hương tâm sự.

Ông Phạm Nhật Vượng lần thứ 3 vào danh sách tỷ phú

Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, một lần nữa được ghi nhận là tỷ phú đôla, bởi tạp chí danh tiếng Forbes.

 

Hoàng Ly – Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm