Cuối tuần qua, làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắc Nông, Thống đốc Bình tin tưởng, mô hình của TH True Milk sẽ thành công nếu đưa vào Tây Nguyên, và xem đó là một điển hình cho yêu cầu áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên do, ngay tại miền Tây Nghệ An nắng cháy và gió Lào, tập đoàn TH vẫn thành công khi làm chủ toàn bộ quy trình khép kín nuôi, trồng và chế biến sữa; áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thống đốc Bình điểm lại, ba năm về trước, những người nông dân tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) còn hoài nghi mô hình của TH True Milk; nay, đời sống của họ đã đổi thay nhiều theo dự án, quan trọng hơn là quy trình lao động, sản xuất của người nông dân đã tạo ra những giá trị lớn hơn nhiều khi có doanh nghiệp vào cuộc…
“Không đưa lợi thế đất đai cho nước ngoài”
Không chỉ người dân, mô hình TH True Milk từng bị một số quan điểm hoài nghi. Thậm chí, khi xem xét cấp vốn, thậm chí có ngân hàng còn đánh giá đàn bò sữa của dự án theo giá...bò thịt.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH - đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk - chia sẻ: “Ba năm về trước, kinh tế khủng hoảng. Nếu không có sự nhìn nhận đúng của Ngân hàng Nhà nước thì chúng tôi không có được như hiện nay”.
Lúc đó, nữ doanh nhân xứ Nghệ này từng tính đến tình huống phải bán lại một phần cho các tổ chức nước ngoài, lập liên doanh để triển khai dự án. Nhưng rồi cũng được các ngân hàng tiếp vốn.
“Trước khó khăn, phải vượt qua từng bước, phải tính cả chuyện bán lại cho nước ngoài. Nhưng quan điểm của tôi thì không bao giờ đưa lợi thế đất đai của mình cho họ. Cái chúng tôi cần là công nghệ. Tôi chỉ tìm cách mua lại công nghệ của họ mà thôi”, bà Hương nói.
Theo phân tích của nữ doanh nhân này, Việt Nam là một nước nông nghiệp, có lợi thế về đất và lao động, nhưng mãi vẫn nghèo, vẫn chưa có nhiều sản phẩm từ nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hàng năm, nền kinh tế vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập sản phẩm về tiêu dùng, trong khi trong nước có thể làm được. Điểm còn thiếu cho những lợi thế đó là chính sách và công nghệ cao.
Cho rằng chủ trương thì Nhà nước đã có từ lâu, lợi thế đất đai và lao động sẵn có, nhưng theo bà Hương, điểm cần thúc đẩy là chính sách đất đai và vốn.
“Có chủ trương, có chính sách, giai đoạn đầu hãy để Nhà nước hỗ trợ và doanh nhân làm cái đã. Người nông dân đứng ngoài để nhìn vào, để nhận ra sự thay đổi. Giai đoạn tiếp theo hãy kéo họ vào qua việc lập các công ty nguyên liệu, khi họ đã nhận ra hiệu quả của những thay đổi. Bởi vì thuyết phục và gắn kết ngay các hộ sản xuất mạnh mún, đất đai phân tán và trình độ sản xuất còn thấp là rất khó”, bà chủ của TH True Milk đúc kết.
Bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH, đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk. |
“Cứ có đất cho tôi”
Trao đổi về gợi ý nói trên của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, bà Hương cho biết thời gian qua TH True Milk cũng đã đến các tỉnh trên địa bàn để tìm hiểu và trù tính các kế hoạch.
“Cứ có đất cho tôi, Tây Nguyên sẽ thay đổi sau ba năm. Chúng tôi không chỉ làm sữa, mà còn cả trồng rừng, dược liệu và du lịch sinh thái”, bà Hương nói.
Trong mắt bà Hương, Tây Nguyên thậm chí còn sở hữu nhiều ưu điểm hơn vùng Tây Nghệ An về khí hậu và thổ nhưỡng. Song, điểm yếu của khu vực này là điện, đường và nước.
“Tuy nhiên, nếu giao đất cho chúng tôi, chúng tôi biết và có cách khắc phục những điểm yếu đó nhanh hơn. Nhà nước làm thì dễ chậm. Như với nước, rừng Tây Nguyên đã không còn như trước, nên việc đầu tiên chúng tôi làm là trồng một phần rừng để giữ nước. Phải tổ chức lại việc sản xuất của các nông trường, các tổng đội thanh niên xung phong, để họ trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất. Nông lâm trường cũng chính là điểm thuận lợi để tập trung đất đai và lao động, đào tạo lao động. Với Tây Nguyên, chúng tôi cũng đã nhìn ra lâu rồi nhưng vẫn còn khó về chính sách đất đai, chính sách vốn…”, theo bà Thái Hương.
Nữ doanh nhân này nêu quan điểm, mọi chủ thể sử dụng đất đều nộp thuế, nhưng hiệu quả sử dụng là khác nhau. Nếu được giao đất, đưa mô hình của TH True Milk vào, lợi ích mà bà tin tưởng là sẽ góp phần thay đổi nhãn quan về sản xuất và sản phẩm, cùng người dân làm chủ được cả quy trình, cũng như sẽ góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào vùng biên Tây Nguyên.
“Với các tỉnh vùng biên, đời sống và công việc của người dân tốt lên sẽ là “cột mốc” được cắm vững chãi nhất”, bà Hương nói về một giá trị khác.
Và dẫn thực tế điểm xuất phát ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), bà Hương cho hay: "Trước đây nhiều hộ dân phải đi vay ngân hàng để lo toan cuộc sống, thì nay, qua tham gia dự án, công việc ổn định và họ đã dư giả tiền để gửi ngược trở lại"…