“Họ đang đặt một loạt miếng dán trên vết thương ngày càng lớn, với hy vọng kinh tế sớm phục hồi, nhưng không có kế hoạch sẽ làm gì nếu suy thoái kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn”, New York Times bình luận.
Cách tiếp cận này có thể tốn kém hơn và kém hiệu quả hơn so với một chiến lược tham vọng, có tính toán nhằm đối phó với dịch bệnh. Nhưng chia rẽ giữa hai đảng khiến việc đồng thuận một chiến lược như vậy gần như không thể đối với Quốc hội Mỹ - cơ quan thích hợp với việc phản ứng với khủng hoảng hơn là ngăn ngừa khủng hoảng.
Tổng thống Trump ngày 24/4 ký thành luật gói cứu trợ 484 tỷ USD cho các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, đồng thời để hỗ trợ các bệnh viện và xét nghiệm. Đây là gói cứu trợ thứ tư để ứng phó đại dịch, và là gói cứu trợ lớn thứ nhì về giá trị. Nhưng các bên đều nói có thể sẽ có thêm gói hỗ trợ tiếp theo.
Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell. Ảnh: New York Times. |
Liên tiếp các gói cứu trợ
Gói cứu trợ 484 tỷ USD mà Tổng thống Trump ký ngày 24/4 là ví dụ cho sự thiếu chiến lược. Quốc hội bổ sung 320 tỷ USD cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đã hết tiền chỉ vài ngày sau gói cứu trợ trước.
Điều này đã không xảy ra nếu các nghị sĩ lắng nghe những lời kêu gọi phân bổ nhiều tiền hơn trong gói cứu trợ trước.
Gói mới đây cũng bao gồm 75 tỷ USD cho bệnh viện và 25 tỷ USD cho công tác xét nghiệm, truy vết tiếp xúc ca nhiễm, vốn là thiết yếu để trở về cuộc sống bình thường. Nhưng các khoản trên vẫn thua xa các khoản tiền cần thiết theo dự báo của các chuyên gia.
Quốc hội Mỹ vẫn chưa có khoản nào cho việc mở rộng quy mô xét nghiệm và truy vết lên mức cần thiết để người tiêu dùng, người lao động cảm thấy an tâm nối lại hoạt động kinh tế.
Họ cũng chưa có chiến lược tiếp tục trợ cấp như thế nào nếu phong tỏa kéo dài và kinh tế tiếp tục gián đoạn qua mùa hè hay lâu hơn. Sự thiếu sót này có thể gây thiệt hại khôn lường, nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề mà tiếp tục “sa lầy” vào hết gói cứu trợ này sang gói cứu trợ khác.
Trong khi đó, các dự báo kinh tế ngày càng ảm đạm, cho thấy thiệt hại sẽ kéo dài nhiều năm. Kinh tế Mỹ được dự báo giảm 5,6% năm nay, với tỷ lệ thất nghiệp gần 12% vào thời điểm cuối năm.
Sản lượng kinh tế năm 2021 vẫn ở mức thấp hơn 2019, và phải tới cuối 2019, tỷ lệ thất nghiệp mới xuống dưới 10%, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO)
Thâm hụt ngân sách sẽ lên tới 3.700 tỷ USD cho tài khóa 2020, sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nền kinh tế kể từ Thế chiến II. Đến cuối tháng 9, khi hết tài khóa hiện tại, nợ công sẽ vượt sản lượng một năm của nền kinh tế.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trang phục đỏ). Ảnh: New York Times. |
Hai đảng ngày càng chia rẽ
Một số nhóm đã đề ra kế hoạch giảm thiểu thiệt hại, đẩy nhanh mở lại kinh tế, nhưng đa phần đòi hỏi ngân sách lớn mà Quốc hội phải chấp thuận, để chi vào việc xét nghiệm diện rộng.
Danielle Allen, Giám đốc của trung tâm Edmond J. Safra, Đại học Harvard, nói Quốc hội chưa đưa ra được số tiền 50-300 tỷ USD mà nhóm của bà cho là cần thiết để chi trả cho 20 triệu xét nghiệm mỗi ngày. Đây là điều kiện để “tái khởi động lại hoàn toàn nền kinh tế” vào tháng 8.
Nhà kinh tế đạt giải Nobel Paul Romer muốn Mỹ có thể xét nghiệm toàn bộ công dân cứ hai tuần một lần, tương đương 25 triệu xét nghiệm mỗi ngày. Ông kêu gọi dành ra 100 tỷ USD để bắt đầu chuẩn bị cho khối lượng xét nghiệm này.
“Không ai đưa ra được những khoản tiền mà tôi đang nói đến”, ông Romer nói.
Nếu không đạt được quy mô xét nghiệm như các chuyên gia đang kêu gọi, sẽ có rủi ro là thất nghiệp vẫn cao, rủi ro kinh doanh vẫn cao, gây ra sức ép mới buộc các nghị sĩ phải tiếp tục cấp tiền cứu trợ. Điều này hiển nhiên sẽ khiến hai đảng càng đấu tranh gay gắt.
Đảng Dân chủ, vốn chịu sức ép từ cánh tả vì không đòi hỏi các nhượng bộ từ đảng Cộng hòa, đã tỏ ý sẽ buộc gói cứu trợ sau phải bao gồm các thay đổi chính sách đáng kể hơn.
Đảng Cộng hòa đã gạt bỏ một số đề nghị chính sách như vậy, bao gồm bảo vệ dành cho các y bác sĩ tuyến đầu, mở rộng hỗ trợ lương thực, chi tiền cho an ninh bầu cử, và hỗ trợ cho chính quyền bang và địa phương.
Tại cuộc họp báo ngày 24/4, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói sẽ không chấp thuận các dự luật tiếp theo nếu không bao gồm ngân sách hỗ trợ cho bang và địa phương.
Bà muốn tiền dành cho các địa phương phải tương xứng với gần 700 tỷ USD đã được dành cho doanh nghiệp nhỏ.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley, đảng Cộng hòa, ban Missouri, đề xuất dự luật để “bảo toàn” lực lượng lao động, theo đó chính phủ liên bang sẽ trực tiếp chi trả 80% tiền lương (để các doanh nghiệp vẫn giữ lao động) và cung cấp tiền trợ cấp cho những bên tuyển dụng lại lao động trong thời gian đại dịch.