Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thách thức lớn cho ngành điện mùa nắng nóng

Bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng trong khi mực nước tại các hồ thủy điện lại thấp. Quy luật này buộc ngành điện phải có giải pháp kịp thời để vượt qua thách thức.

Năm 2017, công suất điện đã tăng so với trước, nhưng để đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng, các doanh nghiệp trong ngành điện phải trang bị hướng đi cho mình.

Thách thức lớn khi vào mùa nóng

“Tính đến cuối năm 2017, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt trên 45.000 MW”, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện dự kiến lên tới 129.500 MW. Tuy nhiên, để đi được đến con số tăng gấp 3 lần, lộ trình đặt ra cho ngành điện sẽ không bằng phẳng, nhất là vào mùa cao điểm nắng nóng.

Đầu tháng 6/2017, đợt nắng nóng kéo dài đã khiến phụ tải tăng kỷ lục, hệ thống truyền tải chịu áp lực cao. Trong đó, tất cả máy biến áp ở Hà Nội chịu tải trên 80%. Vấn đề này dẫn đến tình trạng nguy hiểm, chỉ cần một dao động nhỏ trên lưới sẽ có nguy cơ mất điện trên diện rộng. Thời điểm đó, các thiết bị phải kiểm tra liên tục và công suất, nhiệt độ… cũng không được lơ là.

EVN anh 1
Dù năng suất điện đã tăng, nhưng với nhu cầu mùa nắng nóng, ngành điện phải đối mặt nhiều khó khăn.

Năm 2018, mùa nắng nóng được dự đoán tiếp tục kéo dài, phụ tải sẽ tăng trên 11%. Trong khi đó, hệ thống điện phía Nam vẫn chưa thể tự cân đối, lượng điện không nhỏ phải tải từ các trụ khu vực phía Bắc.

Tại nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phụ tải điện đã tăng 20% trong 2 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mùa cao điểm nắng nóng, khi lượng điện hao hụt thì cũng là lúc hộ nuôi tôm đồng loạt thả tôm giống, tạo ra thách thức lớn trong việc ổn định việc cung cấp nguồn điện.

Không dừng lại ở việc đảm bảo nguồn cung cấp, ngành điện còn đối mặt với tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Thống kê của ban An toàn Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy đã tồn tại hơn 3.220 vụ vi phạm tính đến cuối năm 2017.

Tìm giải pháp từ tiềm năng

Quy luật tất yếu đặt ra vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao nhưng  lưu lượng nước về các hồ thủy điện lại thấp. Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp đã được đặt ra, trong đó việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đang được quan tâm hàng đầu.

Ông Trần Viết Ngãi chia sẻ: “Việt Nam không còn con đường nào khác là tập trung vào phát triển nhiệt điện than và năng lượng tái tạo. Cùng với đó, chính sách giá điện phải phù hợp để hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khai thác tối đa tiềm năng của nguồn đầu tư tư nhân”.

EVN anh 2
Khai thác năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp cho tình trạng thiếu điện.

Ước tính, điện gió trên đất liền của Việt Nam có thể tạo ra khoảng 40-50 nghìn MW. Nếu cộng thêm tiềm năng điện gió từ ngoài khơi, nước ta có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW. Với công nghệ hiện đại, tốc độ gió từ 5 m/s tua bin đã có thể phát điện.

Bên cạnh đó, với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, giờ nắng trung bình trong năm dao động từ 2.500  đến 3.000 giờ, nhiệt độ bình quân năm trên 21 độ C, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng mặt trời.

“Nhưng với nhu cầu sử dụng lớn, việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo cũng cần chú ý đến sự ổn định công suất vì phụ thuộc vào thời tiết. Công suất dự phòng và bù đắp năng lượng là yếu tố tất yếu cần được quan tâm”, ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), bày tỏ lo lắng.

Nhiệt điện than tiếp tục được đưa vào như một trong những giải pháo hữu ích. Và quá trình này cũng cần cân đối giữa nguồn than trong nước và nhập khẩu.

EVN anh 3
Đẩy nhanh tiến độ các nhà máy nhiệt điện trở thành yếu tố cần được quan tâm.

Trước thực tế về nhu cầu người dùng và nguồn cung cấp điện năng, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, EVN đã thực hiện các giải pháp tổng thể về kĩ thuật, kinh tế và quản lý. Cụ thể, tập đoàn đẩy mạnh sử dụng tiết kiệm điện nhằm giữ mức nước cao nhất ở các hồ thủy điện, nhất là khu vực miền Trung và Nam.

Các chỉ đạo quyết liệt để các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng được đưa ra với mục tiêu vận hành đúng tiến độ, đảm bảo khả năng truyền tải của đường dây siêu cao áp 500 kV.

Chuẩn bị toàn diện cho mùa nắng nóng, EVN đưa ra mục tiêu năm 2018 sẽ giảm 20% số vụ vi phạm còn tồn tại từ năm trước, đồng thời không để phát sinh vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp mới. Để đến đích, Tập đoàn điện lực quốc gia sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Giang Di Linh

Bạn có thể quan tâm