Theo các chuyên gia, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiệm kỳ sắp tới sẽ nhiều thách thức, vừa phải tìm kiếm nguồn lực phục hồi và phát triển, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Cuối tháng 7, dịch Covid-19 lần thứ hai bùng phát tại nước ta với tâm dịch là Đà Nẵng. Những ảnh hưởng mà dịch gây ra với nền kinh tế đã thấy rõ trong đợt bùng phát lần thứ nhất. Với lần này, kinh tế được dự báo sẽ gặp thêm những thách thức mới, không chỉ trong nửa cuối năm 2020 mà còn các năm tiếp theo.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dịch Covid-19 là vấn đề thực tiễn lớn chưa từng gặp phải trong lịch sử, nó diễn biến khó lường giống như một “biến số” cần được nhận diện. Đặc biệt là trong việc lập kế hoạch, xây dựng chiến lược trong thời kỳ tới.
Trong lúc này, các địa phương đang lấy ý kiến cho dự thảo văn kiện trình đại hội Đảng bộ sắp tới. Việc tính đến “biến số” Covid-19 cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), chiến lược phát triển 10 năm (2021-2030) được coi là vấn đề quan trọng, thời sự.
Zing đã có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu về chủ đề này. Các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc nhận định "biến số" Covid-19 trong xây dựng kế hoạch sắp tới, từ đó giúp có sự chủ động ứng phó.
GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho biết bản thân đã đọc một số báo cáo chính trị của một số địa phương thì thấy cách xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới vẫn mang sắc thái truyền thống.
“Báo cáo nào cũng bắt đầu bằng câu tình hình thế giới ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường, nhưng cụm từ ấy được thể hiện trong việc sử dụng các chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chiến lược 10 năm chưa rõ”, ông nói.
Do vậy ông cho rằng báo cáo chính trị ở các địa phương cần tính toán một cách đầy đủ hơn về bối cảnh hiện tại, nguồn lực tăng trưởng, phương thức tăng trưởng… trong việc xây dựng các chỉ tiêu.
“Chúng ta không nên điều chỉnh cách thức xây dựng chỉ tiêu một cách đơn giản là cập nhật một số xu thế gần đây, mà đôi lúc phải xây dựng kế hoạch đó theo một phương thức mới”, ông khuyến nghị.
GS Trần Thọ Đạt lấy ví dụ một địa phương nào đó có lợi thế để thu hút dòng dịch chuyển đầu tư nước ngoài, thì nên xây dựng kế hoạch cụ thể về hạ tầng, con người, cơ chế để thu hút những dòng vốn này.
Ở một số địa phương khác có điều kiện để thu hút những ngành nghề, lĩnh vực đầu tư mới thì cũng phải xây kế hoạch ngay từ bây giờ. GS Trần Thọ Đạt cho rằng những lĩnh vực, ngành nghề mới sẽ giúp thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, là động lực tăng trưởng GDP.
“Tôi thấy chưa nhiều địa phương làm được điều đó. Về cơ bản vẫn xây dựng động lực tăng trưởng, mô hình tăng trưởng như cũ”, ông nhận định.
Theo Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu nền kinh tế cứ tăng trưởng theo cách truyền thống thì tác động của dịch Covid-19 là rất lớn. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế ấy có sự chuyển mình sau dịch, sang một cơ cấu kinh tế khác, phù hợp hơn, thích hợp hơn với bối cảnh mới, thì khả năng tăng trưởng của nhiệm kỳ mới sẽ bền vững hơn, có căn cứ hơn.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng nhiệm vụ của đầu nhiệm kỳ tới “khá nặng nề”. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế khiến tăng trưởng dự báo sẽ đạt thấp.
“Nhiệm vụ đầu tiên là phục hồi kinh tế. Mà phục hồi kinh tế trong điều kiện phải ổn định kinh tế vĩ mô. Để thực hiện song song điều này là rất khó, các cân đối lớn phải được tính toán rất nghệ thuật”, ông nhận định.
Ông Nguyễn Đình Cũng cũng cho rằng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới phải tính toán làm sao tìm kiếm được nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn lực cho giai đoạn phục hồi kinh tế. Phương án mở rộng bội chi ngân sách có thể được tính đến, nhưng bài toán là phải giữ vững được ổn định vĩ mô.
Viện trưởng CIEM nhận định để huy động tối đa nguồn lực thì việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chắc chắn phải làm nhiều hơn so với tốc độ hiện tại. Ngoài ra, ông cho rằng để phục hồi kinh tế đạt 6-7% như các năm trước thì phải mất nhiều thời gian.
“Chắc chắn nhiệm kỳ tới là một nhiệm kỳ đầy thách thức. Nhiệm vụ chắc chắn nặng nề hơn”, ông nói.
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng diễn biến và tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế rất khó lường. Thế giới và trong nước đều đã trải qua 2 "cú sốc" với 2 làn sóng dịch Covid-19. Do đó, ông cho rằng các dự báo về tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội phải tính tới các kịch bản của cú sốc hai lần (double-hit scenario) chứ không thể dự báo một chiều và dự báo cú sốc một lần (single-hit scenario) được.
Hiện tại, nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới đã đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng, tính đến cả sự phục hồi ở các năm sau. Có nước cũng đưa ra các kịch bản về kinh tế tương ứng với việc bùng phát các làn sóng Covid-19 thứ hai, thứ ba. Theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dịch Covid-19 sẽ có tác động tiêu cực cho gần hết năm 2021. Thậm chí nếu có “cú hit” lần thứ 3 thì tình hình còn tệ nữa.
Ông Tuấn cho rằng các địa phương khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới cũng cần phải tính đến các phương án khác nhau. Ở tầm quốc gia, văn kiện trình Đại hội XIII cũng nên có những đánh giá bối cảnh phù hợp.
Ông Tuấn cho rằng “mục tiêu kép” vẫn phải được nhấn mạnh trong việc lập kế hoạch sắp tới bao gồm kiểm soát dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh và tình hình bất định của kinh tế thế giới, kế hoạch một vài năm sắp tới không nên đặt nặng mục tiêu tăng trưởng cao, chỉ cần tăng trưởng dương đã là tốt.
Nhiệm vụ quan trọng mà ông Tuấn nói là phải bảo tồn được lực lượng doanh nghiệp, hạn chế sự đóng cửa, phá sản, trợ giúp cho các doanh nghiệp qua cơn khó khăn.
PGS Bùi Quang Tuấn cho rằng các giải pháp sắp tới phải tập trung vào một số trụ cột. Thứ nhất, phải giải ngân nhanh các dự án đầu tư công, đây là kênh còn nhiều dư địa nhất cho tăng trưởng.
Thứ hai phải phát triển xuất khẩu các sản phẩm ở khu vực nông nghiệp như "tấm đệm" để đối phó với cú sốc bên ngoài. Đặc biệt là phải khơi thông xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA...
Thứ ba, cần phải thúc đẩy tiếp cận kinh tế số và đẩy mạnh quá trình chuyển số. Đây là "cứu cánh" quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh bị phong tỏa và giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vẫn tăng trưởng tốt.
Thứ tư, PGS Bùi Quang Tuấn cũng khuyến nghị đẩy mạnh chính sách hướng đến kích cầu, tăng tiêu dùng nội địa mạnh hơn, tận dụng thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, để tạo ra động lực cho sản xuất và tăng trưởng trong thời gian tới.
Thứ năm, phải giảm thuế cho các doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, bởi chính sách giãn, hoãn thuế như hiện nay là chưa đủ mạnh để có thể cứu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Ông cũng đề xuất cần nghiên cứu gói cứu trợ mới cho doanh nghiệp để giúp lực lượng này tồn tại và sống sót qua cơn dịch.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng thông tin, dữ liệu xây dựng nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp tình hình thực tiễn. Vị này nhấn mạnh dự thảo cần thiết phải xem xét đến “biến số” Covid-19.
Tuy nhiên, ông cho rằng dịch Covid diễn biến rất phức tạp, lại khó dự báo, cho nên việc xây dựng kế hoạch phải chia làm nhiều kịch bản. Các kịch bản phải dựa theo dự báo về tốc độ sản xuất vaccine.
“Chúng ta phải đưa ra dự liệu, tùy vào tình hình. Ví như kịch bản có vaccine đầu năm 2021 thì như thế nào, đến giữa năm mới có thì ra sao?”, ông Ngân nói.
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng nêu bối cảnh hiện nay đang có một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, do đó việc xây dựng kịch bản tăng trưởng phải xây dựng phù hợp và chi tiết.
Theo vị đại biểu Quốc hội, Việt Nam là nền kinh tế mở, kim ngạch xuất -nhập khẩu gấp đôi GDP, do đó chịu tác động lớn từ bên ngoài. Hiện tại, các nền kinh tế trên thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch, phải thay đổi dự báo. Do đó, việc Việt Nam phải thay đổi các dự báo, tính đến các kịch bản là điều bình thường.
Hiện tại, ông cho biết văn kiện trình đại hội Đảng bộ TP.HCM đã có ý kiến góp ý nên chia ra các kịch bản tăng trưởng GDP. Nếu kịch bản tốt thì có thể đạt mức 8,5%, kịch bản bình thường là 8% còn kịch bản xấu nhất thì tăng trưởng khoảng 7%.
“Chúng ta chia ra nhiều kịch bản để có biện pháp điều hành tùy vào tình hình diễn biến. Kế hoạch không có nghĩa là cố định mà phải linh hoạt thích ứng điều hành”, ông nói.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng cho rằng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng phải tính đến việc huy động nguồn lực phát triển, tùy vào ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông nhấn mạnh trong bối cảnh này, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội sẽ thay đổi nhiều. Hiện tại, cơ hội là có luồng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài. Các địa phương có thể nắm bắt thời cơ, chuẩn bị các nguồn lực để đón sóng đầu tư.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định huy động nguồn lực bây giờ rất khó, do đó phải suy nghĩ đến khu vực kinh tế trong nước là quan trọng. Ông đề nghị phải tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân, đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng.
“Xây dựng các kịch bản, kế hoạch gì phải tập trung vào kinh tế tư nhân. Tập trung động lực vào nguồn lực này là quan trọng nhất”, ông nói.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng muốn huy động được nguồn lực kinh tế tư nhân thì phải phụ thuộc vào thể chế, phải tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào nguồn lực đất đai. Các địa phương nên quan tâm phân bổ đất đai, hình thành các khu công nghiệp, khu sản xuất và ưu tiên dành cho nhà đầu tư tư nhân.
Ông cũng nhắc đến tầm quan trọng của chính sách tài chính - tiền tệ. Nhà nước cần miễn giảm thuế, hạ lãi suất… thì mới thu hút được nguồn lực tư nhân. Nhà nước sẽ đóng vai trò đầu tư kết cấu hạ tầng, kinh tế kỹ thuật, lo an ninh trật tự, giải ngân vốn đầu tư công.
“Động lực quan trọng phát triển kinh tế phải là khu vực tư nhân”, ông nhấn mạnh thêm.