Trong tuần qua, mỗi ngày anh Ngô Thanh Tuấn - một người sưu tầm sách sống tại Đà Nẵng - đăng hình một tác phẩm lên trang Facebook cá nhân. Vốn là người sưu tầm, sở hữu nhiều sách của các tác giả đoạt giải Nobel văn học, anh Tuấn không chỉ đăng một cuốn, mà còn đưa ra nhiều phiên bản của tác phẩm ấy.
Trong vòng một tuần, anh Ngô Thanh Tuấn đã giới thiệu bảy tác phẩm: Trên sa mạc và trong rừng thẳm (Henryk Sienkiewicz), Chuyện rừng (Rudyard Kipling), Cuộc lữ hành kỳ diệu của Nils Holgerssons (Selma Lagerlof), Con chim xanh (Maurice Maeterlinck), Con lừa và tôi (Juan Ramon Jimenez), Con dê Zlateh và những truyện khác (Isaac Bashevis Singer).
Ảnh chụp các phiên bản tác phẩm Trên sa mạc và trong rừng thẳm của anh Ngô Thanh Tuấn khi tham gia thách thức. |
Cả bảy cuốn sách đều phù hợp với thiếu nhi, được tái bản nhiều lần ở Việt Nam. Các tác giả sách đều đoạt giải Nobel. Nội dung sách thường lôi cuốn, hấp dẫn, nhân vật chính gắn liền với tuổi thơ. Theo anh Tuấn, đây đều là những tác phẩm nên có trong tủ sách gia đình - “nơi mà trẻ em là trung tâm của sự đọc”.
Anh Ngô Thanh Tuấn là một trong nhiều người tham gia thử thách đọc sách có tên: 7 ngày 7 cuốn sách. Theo luật chơi, trong 7 ngày, mỗi người sẽ đăng lên trang cá nhân ảnh một cuốn sách mà không cần giải thích gì thêm. Người chơi mời thêm những người bạn của mình cùng tham gia thử thách. Dưới mỗi bức ảnh giới thiệu sách, họ sẽ để hashtag như: "#7NgàyGiớiThiệuSách", "#7days7books"…
Cũng nhờ luật chơi phải “mời” hoặc “rủ” thêm bạn bè tham gia mà thách thức 7 ngày 7 cuốn sách được lan tỏa. Như anh Ngô Thanh Tuấn (Đà Nẵng) tham gia thách thức từ lời mời của dịch giả Phạm Ngọc. Trong quá trình đăng tải ảnh giới thiệu sách, anh mời thêm Nhã Hoàng - một người sưu tầm sách khác - cùng tham gia. Sau khi vào cuộc, Facebooker Nhã Hoàng lại “rủ” một nhà văn giới thiệu bảy cuốn sách trong bảy ngày.
Tuy luật đề ra chỉ cần đăng sách mà không cần nói gì thêm, nhưng mỗi người tham gia lại có cách “chơi” riêng. Người chơi đăng ảnh sách kèm một vài chi tiết thú vị liên quan đến nội dung tác phẩm. Có người lại chọn cách kể một vài kỷ niệm liên quan tới cuốn sách. Có những người chơi cẩn trọng trong việc chọn bạn để tag. Ví dụ, nếu cuốn sách đăng lên thuộc lĩnh vực lịch sử, người chơi đó sẽ tag người bạn chuyên đọc sách sử và mời họ tham gia thách thức.
Ảnh tham gia thách thức 7 ngày 7 cuốn sách của Facebooker Nguyễn Tuấn Việt. Sau khi đăng hình, anh mời một người bạn rất mê trinh thám của mình tham gia. |
Lại có những người khi nhận thách thức đã tự “phá luật”, đề ra cách thức riêng. Facebooker Huy Minh đưa ra những câu đố để bạn bè cùng đoán xem nội dung ấy nằm trong cuốn sách nào. Đó cũng là cách khơi gợi tò mò và khuyến khích bạn bè tìm hiểu về các cuốn sách.
Thách thức 7 ngày 7 cuốn sách rất đơn giản, chỉ cần cầm điện thoại thông minh, chụp hình một cuốn sách rồi gửi lên mạng xã hội, nhưng lại có ý nghĩa khi cổ vũ nhiều người đọc sách. Khi nhận được thách thức, không chỉ những “mọt sách”, mà nhiều người làm các công việc, ở mọi lứa tuổi đều vui vẻ tham gia.
Các sách đăng lên thuộc nhiều lĩnh vực, từ văn học, sách kiến thức, kỹ năng đến quản trị… cho thấy sự đa dạng, phong phú trong thị hiếu đọc. Dưới mỗi hình đăng là bình luận rôm rả về cuốn sách. Nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ qua mạng xã hội, phong trào này ít nhiều giới thiệu những cuốn sách hay, cổ vũ mọi người đọc, chia sẻ về sách.