Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thách cưới giá trên trời: Cưới... nợ

Vợ chồng Alăng D. lấy nhau đã một năm và đang phải “cày” bạc mặt để trả nợ. Nhà cô gái thách cưới 8 con heo trị giá gần 30 triệu đồng cùng vài món đồ khác để rước dâu về.

Cuối năm, khi những cơn mưa bao phủ cả bản làng ở vùng rẻo cao huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng là lúc các cặp uyên ương xây tổ ấm. Giống nhiều chàng trai Pa Cô khác, đám cưới của Hồ Văn Rươi (23 tuổi, trú xã A Ngo) đông vui như hội.

Tiền thách cưới cả trăm triệu đồng

Sớm tinh sương, một đoàn hơn 40 người của nhà trai lặng lẽ đi bộ với đôi vai mang đầy lễ vật qua nhà cô dâu Kăn Vương (trú cùng xã). Dẫn đầu là 2 chàng trai lực lưỡng gánh một con lợn chừng 60 kg, sau đó đến những phụ nữ vai cõng gùi đựng chiếu, chén bát, vải thổ cẩm…

Người Cơ Tu mổ heo chuẩn bị cho một đám cưới ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Người Cơ Tu mổ heo chuẩn bị cho một đám cưới ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Chú rể Hồ Văn Rươi kể rằng dù gia đình nghèo khổ nhưng đây đã là con lợn thứ ba và cuối cùng nhà trai mang sang nhà gái. Mỗi con nặng ít nhất 50 kg, ngoài ra còn có một số lễ vật khác. 

“Để lấy được vợ, gia đình tôi tốn trên 50-60 triệu đồng lễ vật rồi. Cưới xong, nợ nần chồng chất, vợ chồng phải cày cuốc trả nợ nhưng đành chịu vì phong tục ở đây là vậy” - Rươi nói.

Hơn một năm sau ngày cưới, vợ chồng A Viết Thế và Lê Thị Na (trú thôn A Roàng 2, xã A Roàng, huyện A Lưới) vẫn đầu tắt mặt tối kiếm tiền trả nợ nhưng khoản nợ hơn 50 triệu đồng mới chỉ trả được phân nửa. Ngược lại với tâm trạng lo âu của A Viết Thế, cha anh là ông A Viết Nùng (64 tuổi) kể về hủ tục cưới xin của những đứa con mình như một thành tích đầy tự hào.

Theo A Viết Nùng, chuyện trăm năm bắt đầu từ lễ dạm hỏi, nhà trai phải mang sang nhà gái một con heo, một con gà. Trước khi lễ cưới diễn ra, nhà gái mang xôi nếp, áo choàng, chiếu, 30 tấm thổ cẩm sang nhà trai. 

Rồi sáng hôm sau, đoàn nhà trai mang đồ thách cưới tới nhà gái để đưa con dâu về nhà. Lễ vật đó được xem như một sản nghiệp gồm trâu, bò, lợn, gà và phải có một cổ vật truyền thống của gia đình như cồng chiêng, mã não, vòng bạc.

“Nếu không có trâu, bò thì nhà trai phải hứa với nhà gái lần khác mang sang và phải thực hiện. Đám cưới của thằng A Viết Thế đầy đủ lễ vật, kinh phí chẳng biết bao nhiêu mà kể, chắc lên gần 100 triệu đồng chứ chẳng chơi” - Nùng khoe.

Vay lãi nóng để trả tiền thách cưới

Cư Pui là xã vùng 3 của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Người dân tộc chiếm gần 90% dân số của xã với những hủ tục thách cưới rất nặng nề.

Chị H’Hoa Niê (SN 1991, ngụ buôn Khanh, xã Cư Pui, người dân tộc M’nông) vừa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non ở Hà Nội. Tình cờ gặp và yêu anh Y Siêm Bjă (SN 1987, ngụ buôn Khóa, xã Cư Pui) học cùng trường.  Sau khi tốt nghiệp, chị H’Hoa quyết bắt chồng để ổn định cuộc sống.

Mẹ của A Viết Thế (xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khoe chiếc vòng bạc có được nhờ gả con gái.
Mẹ của A Viết Thế (xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khoe chiếc vòng bạc có được nhờ gả con gái.

Sau nhiều lần bàn bạc, gia đình nhà trai thách cưới chăn mền, chén bát, gà vịt, 2 con lợn, 2 con bò và 25 triệu đồng tiền mặt. Đám cưới vừa xong, vợ chồng chị phải đối mặt với khoản nợ hơn 50 triệu đồng.

“Tôi giờ chưa xin được việc làm, còn chồng dạy hợp đồng hưởng lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Thế mà mỗi tháng phải trả hơn 2 triệu đồng tiền lãi. Chẳng biết khi nào mới trả được nợ gốc” - chị H’Hoa ngậm ngùi kể.

Bộ tộc bắt đàn ông về làm chồng trên đỉnh đèo Phượng Hoàng

Bên núi cao, bên vực sâu, nhiều khúc cua tử thần cheo leo hiểm trở, đèo Phượng Hoàng nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk được ví là “đệ nhất hùng quan” ở Nam Tây Nguyên.

Còn H’Nư (buôn Thu, xã EaTrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã lấy chồng 5 năm và có con 4 tuổi nhưng vẫn chưa trả hết nợ. Ngày gia đình H’Nư đi hỏi chồng Y Kim (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) cho cô, gia đình bên chồng thách cưới 1 con bò thui, 3 con bò sống cùng với 5 ché rượu, 1 nồi đồng, 1 bộ chén bát, 2 cái mền và 2 bộ quần áo được dệt theo trang phục Ê đê. 

Nhà không đủ tiền nên H’Nư xin nợ nhà chồng 2 con bò sống, đến giờ vẫn chưa trả được. Mỗi khi 2 gia đình có chút xích mích, nhà chồng lại đến... đòi bò.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, vợ chồng Alăng D. (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) lấy nhau đã 1 năm và đang phải “cày” bạc mặt để trả nợ. Tết năm ngoái, Alăng D. “bắt” vợ. Nhà cô gái thách cưới 8 con heo trị giá gần 30 triệu đồng cùng vài món đồ khác để rước dâu về. 

Bố của D. đành bán đứt miếng đất cạnh nhà và vay mượn để lo đám cưới cho con.

Theo ông Ksor Y Thư, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Sông Hinh, vào ngày hỏi chồng, nhà gái lo nhất là phía nhà trai thách cưới với giá trên trời, không có tiền thì đành bỏ về, không cưới được chồng. Mặc dù ông Y Thư biết rằng việc thách cưới là một hủ tục nhưng ông cũng không thể ngăn cản gia đình chị gái mình thách cưới nhà gái 40 triệu đồng, 1 con bò thui và 2 con bò sống. 

Gia đình nhà gái chỉ lo được 10 triệu đồng, 1 con bò thui và 1 con bò sống, số còn lại phải nợ. “Cũng không biết đến bao giờ họ mới trả được” - Y Thư cho hay.

Chồng chết, vẫn còn bị đòi vật thách cưới

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, bà Linh Nga Niê Kđăm, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn còn giữ phong tục thách cưới. Đối với người Ê đê, chàng trai phải về ở rể nhưng một số trường hợp nhà gái không có tiền thách cưới, vợ chồng phải về nhà chồng ở rồi làm kiếm tiền trả nợ. Nhiều trường hợp vợ chồng có với nhau 2 đứa con rồi mới trả hết nợ, sau đó được tổ chức đám cưới và về nhà gái ở. 

“Mới đây, ở Gia Lai có trường hợp vợ chồng đều là công chức nhà nước. Khi chồng già và chết đi, gia đình nhà chồng sang đòi gia đình nhà vợ 16 con bò thách cưới từ mấy chục năm trước” - bà Linh Nga kể. 

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thach-cuoi-gia-tren-troi-cuoi-no-20141218220052762.htm

Theo Quang Nhật - Cao Nguyên - Trần Thường - Hồng Ánh/Người Lao động

Bạn có thể quan tâm