Không đủ lễ vật đừng mong có vợ
Gia đình ông Hồ Thanh Xoa ở xã A Ngo (huyện A Lưới) vừa tổ chức cưới vợ cho con trai. Để con cưới được vợ, gia đình ông Xoa phải tặng một loạt lễ vật gồm trâu, bò, lợn, vải thổ cẩm, cồng chiêng… theo yêu cầu thách cưới của nhà gái.
“Nếu không có những lễ vật ni thì nhà gái họ không cho con trai tui lấy con gái họ làm vợ mô”, ông Xoa giãi bày.
Theo ông Xoa, phong tục của người Tà Ôi quy định, nhà trai muốn rước con gái của nhà gái về thì phải tặng cho nhà gái đủ 9 con vật 4 chân, gồm trâu, bò, dê và lợn. Ngoài ra, lễ vật còn có vải thổ cẩm, cồng, chiêng, chiếu… Những lễ vật này được coi là để thể hiện sự giàu có và lòng thành của nhà trai. Vì vậy, nếu không có đủ những lễ vật trên thì nhà trai bị coi như không có lòng thành và không được nhà gái chấp nhận hôn sự.
Một gia đình ở xã A Ngo (huyện A Lưới) chuẩn bị lễ vật theo yêu cầu thách cưới của nhà gái. |
Cũng như người Tà Ôi, hiện nhiều dân tộc khác như: Pa Cô, Cơ Tu… sinh sống ở các huyện miền núi A Lưới và Nam Đông vẫn chưa xóa bỏ được hủ tục thách cưới.
Bà Hồ Thị Môn, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim (A Lưới) cho biết: “Mặc dù đã có phần giảm hơn trước nhưng hiện hủ tục thách cưới của đồng bào trên địa bàn vẫn còn nặng nề. Nhiều gia đình nhà trai vì quá nghèo, không sắm đủ lễ vật nên không được nhà gái gả con là chuyện đã trở nên bình thường”.
Theo ông Hồ Văn Rắt ở xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, thì hiện hầu hết người Cơ Tu ở xã này cũng như các xã khác trên địa bàn, vẫn giữ phong tục thách cưới như trước đây. Để cưới được vợ cho con, nhà trai phải tặng cho nhà gái 1 con trâu (hoặc bò), 7-8 con lợn và 1-2 chỉ vàng.
“Ở đây già đình mô lấy vợ cho con cũng phải thực hiện thủ tục ni, nếu không sẽ không được nhà gái chấp thuận và bị hàng xóm chê cười”, ông Rắt cho hay.
Nghèo thêm vì ôm nợ
"Hủ tục thách cưới đã khiến nhiều gia đình trên địa bàn từ hộ khá thành hộ nghèo, hộ nghèo thì ngày càng nghèo hơn do nợ nần”, Ông Trần Văn Biển
Theo nhiều già làng ở A Lưới và Nam Đông, việc hủ tục thách cưới khó xóa bỏ ở những địa phương này là do nó đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào và dân bản coi đây là “nét truyền thống” của dân tộc mình.
Già làng Hồ Văn Hạnh (thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung, A Lưới) cho biết , mặc dù ông và chính quyền đã liên tục vận động dân bản xóa bỏ hủ tục này nhưng phần lớn gia đình đã bỏ ngoài tai. “Bà con bảo đây là văn hóa truyền thống nên không thể bỏ qua. Vì vậy, khi chúng tôi vận động thì thường bị họ phản đối", ông cho hay.
Việc hủ tục thách cưới chưa được xóa bỏ đã và đang khiến hàng loạt gia đình dân bản rơi vào cảnh nợ nần, nghèo đói. Theo vật giá như hiện nay, để sắm đủ lễ vật tặng cho nhà gái và tổ chức đám cưới, nhà trai phải tốn một khoản tiền rất lớn. Những gia đình khá giả còn đỡ, những gia đình thuộc diện hộ nghèo thì phải bán đi những tài sản có giá trị nhất và vay mượn thêm tiền bạc mới sắm đủ lễ vật. Vì vậy, sau đám cưới, hộ nghèo càng nghèo thêm vì những khoản nợ lớn.
Ông Trần Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật xác nhận: “Đối với nhà trai, hiện để sắm đủ lễ vật tặng nhà gái và tổ chức ăn uống cho khách khứa thì có khi phải tốn đến gần 100 triệu đồng. Chính vì hủ tục thách cưới này mà khi về nhà chồng, người phụ nữ phải lao động cực khổ để kiếm tiền trả nợ”.