Từ năm 2010, khi đang dạy học, thầy Nguyễn Đức Quang vận dụng kiến thức vào nhân giống chuối cấy mô ở quê nhà tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Đến năm 2016, khi việc nhân giống chuối đạt hiệu quả cao, thầy giáo này quyết định ngưng việc giảng dạy tại trường Đại học Đồng Nai rồi về quê làm kinh tế.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Quang bên vườn chuối giống. Ảnh: H.M. |
Anh Quang có bằng cấp thạc sĩ sinh học nên việc nhân giống chuối cấy mô đối với anh không khó.
Thạc sĩ 34 tuổi nói rằng quê hương anh là vùng trồng chuối lớn của Đồng Nai. Nông dân nhân giống chuối theo phương thức truyền thống, tách cây con từ cây mẹ nên năng suất không cao.
“Giống chuối cấy mô cho năng suất cao nhưng nông dân địa phương khó mua giống. Mỗi lần cần cây trồng, họ phải lên Sài Gòn hoặc Đà Lạt để tìm mua. Biết nhu cầu lớn nên tôi quyết định về quê nhân giống chuối cấy mô”, thạc sĩ 34 tuổi chia sẻ.
Thạc sĩ 34 tuổi cho biết việc nhân một cây chuối cấy mô cần khoảng 6 tháng. Ảnh: Ngọc An. |
Theo anh Quang, tạo được chuối cấy mô, phải trải qua nhiều công đoạn với các kỹ thuật phức tạp. Từ việc chọn giống, cấy mô tế bào đến khi nhân chồi… phải mất gần 6 tháng.
Thạc sĩ sinh học cho biết từ mỗi một cây giống ban đầu, anh có thể cho ra đời khoảng 500 cây con.
Mỗi năm, cơ sở của anh Quang xuất ra thị trường khoảng 400.000 cây con. Với mức giá 5.000-7.000 đồng/cây, mỗi năm anh Quang cho hay anh thu về trên 700 triệu đồng.
“Mới đầu, tôi nhân giống chuối già hương. Lứa chuối đầu tiên cho trái tốt, mỗi buồng nặng gần 35 kg nên nông dân tìm đến mua giống. Hiện tôi đã mở rộng cơ sở và nhân giống thêm các loại chuối cau, chuối sứ, chuối sáp”, thạc sĩ Quang nói.
Chuối nẩy mầm trong ống thủy tinh. Ảnh: Ngọc An. |
Theo anh Quang, cơ sở của anh đang tạo công ăn việc làm cho 9 người. Do nhu cầu thị trường lớn nên anh ưu tiên nhân giống và cung cấp cho những người đặt hàng trước.
Hiện tại, thạc sĩ Quang cũng là người trồng 1,5 ha chuối cấy mô ở địa phương để phát triển kinh tế.
Thạc sĩ sinh học nói rằng việc phát triển giống chuối cấy mô là mô hình mới ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều nông dân trong vùng chưa có thói quen vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên. “Khó khăn nhất là cách nghĩ của bà con nông dân chưa đầy đủ về cây giống sạch bệnh”, anh cho biết.
Cuối tháng 11 vừa qua, thạc sĩ Nguyễn Đức Quang là đại diện duy nhất của tỉnh Đồng Nai được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII, năm 2017 do có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.