Thả câu, chờ ngoại tệ?
Tròn một tuần giá USD liên tục giảm trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại. Cung ngoại tệ trên thị trường đã mạnh hẳn lên. Liệu Ngân hàng Nhà nước đang canh hàng để thực sự thả câu?
Đầu giờ chiều 5/8, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục điều chỉnh tỷ giá USD/VND trên biểu niêm yết. Mức bán ra đã lùi về 21.150 VND, mức giá mua vào xuống 21.080 VND. Đó cũng là mức giao dịch phổ biến tại các ngân hàng thương mại khác. Thậm chí tại nhiều thành viên mức mua vào thấp hơn, chỉ còn 21.070 VND.
Đặc biệt, trên thị trường liên ngân hàng, quãng giao dịch từ sáng đến đầu giờ chiều nay tiếp tục cho thấy đà giảm mạnh của giá USD. Tuần trước, mức giao dịch đã trượt từ 21.180 VND về còn 21.150 VND; đến sáng nay tiếp tục rơi mạnh về 21.125 - 21.130 VND, và đến chiều nay giảm mạnh về 21.100 - 21.104 VND.
Như vậy, đến thời điểm này, có thể khẳng định con sóng biến động tỷ giá cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua đã đứt gãy. Nói cách khác, hai tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc bình ổn, thị trường ngoại hối đã ổn định và tỷ giá USD/VND hạ nhiệt.
Có thể khẳng định con sóng biến động tỷ giá cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua đã đứt gãy. |
Xu hướng điều chỉnh của tỷ giá khá bền vững hơn một tuần qua lại hé mở một khả năng mới: rất có thể Ngân hàng Nhà nước đang “hồi hộp” quan sát để canh tình huống mua vào ngoại tệ. Tình huống trên phụ thuộc nhiều vào lượng cung trên thị trường có thực sự thuận lợi hay không, và tỷ giá sẽ lùi về mức nào được cho là hợp lý?
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong tuần căng thẳng đầu tháng 7 vừa qua, toàn hệ thống đã phải bán ròng tạo cung cho thị trường; Ngân hàng Nhà nước cũng lựa chọn một số thời điểm để bán ra can thiệp. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, doanh số mua bán ngoại tệ của toàn hệ thống đã tăng khoảng 50%, một cải thiện rõ rệt về thanh khoản trên thị trường và đặc biệt là các ngân hàng đã trở lại mua ròng ngoại tệ từ dân cư và doanh nghiệp. Nếu xu hướng trên tiếp tục thể hiện, cung ngoại tệ tiếp tục thuận lợi, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phát tín hiệu mua vào. Nếu có, điều này được nhận biết ở mức giá mua vào của Sở Giao dịch.
Sau lần điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 28/6/2013, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước yết và giữ nguyên mức mua vào 20.826 VND. Đây là một sợi câu “không có lưỡi” thả vào ao ngoại tệ hiện nay, bởi lẽ đến thời điểm này và trong ngắn hạn gần như không ai bán lại cho Ngân hàng Nhà nước với mức giá đó. Mức giá mua vào của Sở Giao dịch thậm chí còn thấp hơn cả mức 20.850 VND áp dụng trước thời điểm điều chỉnh 28/6/2013. Những ngày qua và hiện nay nó chỉ có một ý nghĩa duy nhất: mức giá đó đồng nghĩa với việc không có giao dịch mua vào.
Nay, với xu hướng điều chỉnh của tỷ giá, khi xét thấy nguồn cung thực sự thuận lợi, có lẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ ngoắc một lưỡi câu thực sự, nâng giá mua vào USD của Sở Giao dịch. Điều chờ đợi hiện nay là bao giờ có được tín hiệu đó, hoặc có hay không, và mức giá nâng là bao nhiêu.
Ngân hàng Nhà nước là nhà điều hành, mua bán sau cùng để điều tiết thị trường. Theo đó, tính thiệt hơn của mức giá mua vào có lẽ không quá áp lực. Cũng lưu ý rằng, thời gian qua họ đã bán ra ở giá trần 21.246 VND, nay mua vào bù lại giá thấp hơn vẫn là có lãi. Tuy nhiên, điểm đáng cân nhắc hơn là làm sao mua lại được ngoại tệ để bù đắp cho dự trữ ngoại hối bị “chảy máu” thời gian qua, vừa bán ra can thiệp vừa để nhập vàng cho đấu thầu.
Thứ nữa, một sự giảm quá của tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động xuất khẩu. Đây hẳn cũng sẽ là điều Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc. Còn với thị trường nói chung, như trên, đến thời điểm này sự căng thẳng của tỷ giá và những xáo trộn của nó vừa nhen nhóm lên đã được dập tắt.
Theo VnEconomy