Gần 6 tháng sau khi triển khai các hoạt động khảo sát thị trường, điều kiện tự nhiên và chính sách, bà Thái Hương – người đứng đầu Tập đoàn TH – đã đi đến quyết định nhanh chóng, đầu tư 2,7 tỷ USD xây dựng trang trại và nhà máy sữa tại Nga. Quyết định đó đã được cụ thể hóa trong bản thỏa thuận mà tập đoàn TH vừa mới ký kết với tỉnh Mátcơva tuần trước.
Theo bản thỏa thuận này, TH sẽ đầu tư 2,7 tỷ USD xây dựng trang trại với tổng đàn bò dự kiến là 350.000 con, và một nhà máy chế biến sữa có tổng công suất 5.900 tấn mỗi ngày, tương đương 1,8 triệu tấn sữa mỗi năm.
Ngoài ra, TH sẽ phát triển một vùng trồng nguyên liệu nuôi bò tập trung rộng 140.000 ha. Dự án này sẽ được tập đoàn TH quản lý trong 10 năm, từ năm 2015 đến 2025, và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2017. Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm sau. Trong giai đoạn đầu, TH sẽ đầu tư 500 triệu USD.
Cũng giống như dự án bò sữa tại Nghệ An, có tổng vốn 1,2 tỷ USD, dự án tại Nga là một bất ngờ của bà Thái Hương khi quyết định đầu tư ra nước ngoài với quy mô thậm chí còn lớn hơn trong nước. Những tuyên bố trước đây dường như chỉ thấy mục tiêu chính của TH là tiếp tục củng cố và gia tăng thị phần trong nước. Ngay cả Vinamilk, công ty sữa lớn nhất VN, cũng chỉ đầu tư ra nước ngoài khi vị thế dẫn đầu thị trường đã được củng cố vững chắc.
Bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH và Thống đốc tỉnh Mátcơva (Liên bang Nga) trao đổi thỏa thuận hợp tác. |
Hơn nữa, nơi mà bà Thái Hương quyết định đầu tư lại là Nga, nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng do các vấn đề chính trị và giá dầu thô tụt dốc. Vậy tại sao TH lại quyết định đầu tư vào Nga một cách nhanh chóng với quy mô lớn như vậy? Liệu dự án sẽ mang lại cho tập đoàn vẫn còn non trẻ trên thị trường sữa này những lợi thế gì?
“Có 2 lý do chính để quyết định đầu tư ở Nga. Nước Nga bị cấm vận, trong đó có sữa, phải nhập khẩu 50% từ châu Âu về. Trong khi đó, TH đã thành công ở Nghệ An nên sẽ không khó để chia sẻ mô hình này ở nước Nga. Lý do thứ hai là chính quyền Nga cũng có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tốt, do vậy nếu đầu tư thì thành quả chắc chắn tốt đẹp”, bà Thái Hương phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận đầu tư vào Nga.
Đúng như bà Thái Hương nói, thị trường sữa ở Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu nguồn cung trầm trọng nhất từ trước đến nay. Kể từ tháng 8 năm 2014, Chính phủ Nga đã đưa ra lệnh cấm vận với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Châu Âu, trong đó có các sản phẩm từ sữa. Đây là biện pháp đáp trả lệnh cấm vận kinh tế của EU áp đặt đối với Nga, do các nước EU cho rằng Nga đang can thiệp vào các vấn đền tại Ukraine. Mới đây nhất, Nga đã quyết định gia hạn lệnh cấm này đến tận tháng 7 năm 2016.
Lệnh cấm vận này ngay lập tức đã gây ra một cuộc khủng hoảng dư thừa sữa tại các nước EU, trong khi ở thị trường Nga lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng về thiếu nguồn cung sữa. Bởi lẽ trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực, Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU đối với các sản phẩm từ sữa, chiếm 1/3 lượng pho mát và ¼ lượng bơ xuất khẩu.
Các con số thống kê cho thấy, lượng sữa nước nhập khẩu vào Nga kể từ mùa hè năm ngoái đã giảm tới 21,2%, sữa chua giảm tới 67,1% và pho mát tươi giảm 57,4%.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết sản xuất sữa nội địa của Nga đang có cơ hội phát triển, và đã tăng trưởng 26% trong vòng 1 năm qua.
Hiện tại, tổng số đàn bò sữa ở Nga ước tính vào khoảng 4,58 triệu con, sản xuất ra 16 triệu tấn sữa mỗi năm. Số lượng đàn bò này tương đối ổn định trong vòng 10 năm qua. Mặc dù vậy, nguồn sản xuất trong nước vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa của Nga. Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ gỡ bỏ hẳn lệnh cấm vận kinh tế vào mùa hè năm 2016, do mối quan hệ giữa Nga và EU vẫn chưa được cải thiện.
Như vậy, nếu như đầu tư vào Nga lúc này, TH sẽ có một thị trường rất lớn đang thiếu hụt nguồn cung, và hơn nữa TH cũng không phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu đến từ EU. Nếu TH triển khai dự án nhanh chóng và chiếm lĩnh thị trường, khi lệnh cấm vận trên được gỡ bỏ thì tập đoàn này cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Nhìn vào cơ hội đó, có thể hiểu tại sao bà Thái Hương lại có quyết định một cách nhanh chóng như vậy. Với quy mô thị trường lớn hơn, và cơ hội cũng lớn hơn, Nga có thể sẽ là “bầu sữa” của tập đoàn TH trong thời gian tới.
Theo bà Thái Hương, TH có thể sẽ áp dụng kinh nghiệm của chính mình tại thị trường Việt Nam cho thị trường Nga. Xuất hiện trên thị trường Việt Nam khi cái tên TH true Milk vẫn còn hoàn toàn xa lạ, TH chỉ mất 5 năm để chiếm lĩnh được 1/3 thị trường sữa nước. Doanh thu năm 2014 ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy con số doanh thu trên vẫn còn là ít ỏi nếu so với những thương hiệu lớn lâu năm như Vinamilk, nhưng nó cũng không phải là tồi đối với một công ty được coi là lính mới.