Tại buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Cần Thơ ngày 9/3, Tổng giám đốc Cơ quan Viện trợ Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power ngồi cạnh Lương Thị Ngọc Bích, một sinh viên năm 1 ngành Tài chính - Ngân hàng, người tự nhận là không quan tâm đến biến đổi khí hậu nhưng nhận thấy những người bán hàng tại khu vực gia đình mình sống bị ảnh hưởng bởi dòng nước dâng cao.
"Họ luôn phải tìm đến nơi đất cao hơn... chu kỳ lũ không còn ổn định. Tôi nhìn thấy gia đình mình trong tương lai và việc họ sẽ chật vật kiếm sống như thế nào, nếu tình trạng này tiếp diễn thêm 10 năm", Bích nói.
"Thật không may, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không còn là điều các nhà khoa học đang tìm hiểu mà là thứ người dân đang phải sống chung, như em nói, đưa hàng hóa lên cao hơn", bà Power nói, kể lại trải nghiệm của mình là việc nhìn thấy các cần cẩu ở ven sông nơi người dân đang xây dựng các bức tường chắn lũ.
Chuyến đi đến Đồng bằng Sông Cửu Long ngày 8 và 9/3 của tổng giám đốc USAID cũng bao gồm cuộc gặp với người dân cộng đồng Khmer tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nơi những người dân kể về việc họ chuyển sang trồng cam xen kẽ trồng lúa và con cái của họ đang chuyển sang đi làm ở các nhà máy thay vì làm nông.
Tại Đại học Cần Thơ, bà Power được nghe câu chuyện từ Nguyễn Thế Nhất, một sinh viên có mẹ phải rời nhà năm em 17 tuổi để đến làm việc tại một nhà máy ở Bình Dương.
Tổng giám đốc Cơ quan Viện trợ Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power tại Vĩnh Long ngày 8/3. Ảnh: Hoàng Giám. |
Biến đổi khí hậu không phải nỗi lo tương lai ở ĐBSCL
"Những hệ quả (của biến đổi khí hậu - PV) đang ảnh hưởng đến mô hình gia đình truyền thống. Câu chuyện (của Nhất - PV) không phải là câu chuyện di cư duy nhất đang diễn ra vì biến đổi khí hậu", bà nói.
"(Biến đổi khí hậu) là vấn đề được biết đến toàn cầu. Cả việc Việt Nam là một đất nước ven biển với một vùng đồng bằng màu mỡ, việc Đồng bằng Sông Cửu Long mong manh trước biến đổi khí hậu đều là việc ai cũng biết... Điều mới mẻ với tôi là việc được nói chuyện với các nông dân, người nuôi cá, những người trồng lúa bỗng nhiên phải nghĩ đến việc trồng cây cam mà họ chưa từng làm trước đó...", bà nói ngày 8/3 khi tới thăm một trong hơn 10.000 trang trại nuôi trồng thủy sản nổi ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bà Power cho biết USAID đang chuẩn bị cho một dự án lớn trị giá 50 triệu USD tại Đồng bằng Sông Cửu Long, với trọng tâm là nâng cao năng lực thích ứng nông nghiệp của các cộng đồng dân cư nơi đây.
"(Dự án sẽ) giúp đỡ những người nông dân ứng phó với xâm mặn, những người nuôi cá nước ngọt đang đứng trước nỗi lo quần thể cá sẽ chết vì xâm mặn, những người trồng lúa không thể dự đoán được lượng mưa và mùa khô như họ từng có thể, những nhà hoạch định đô thị phải ứng phó với mực nước tăng lên...", bà nói.
"Về cơ bản, 50 triệu USD này là sự đầu tư vào khả năng chống chịu của các cộng đồng đang bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu... giúp họ xây dựng các công cụ để tiếp tục sản xuất nông nghiệp trong môi trường khó khăn này, phát triển các công cụ chính sách để cải thiện các điều kiện đang làm ảnh hưởng sinh kế", tổng giám đốc USAID cho biết.
Bà Samantha Power trong chuyến thăm đến chùa Phù Ly, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long ngày 8/3. Ảnh: Hoàng Giám. |
Tìm kiếm các mô hình từ khối tư nhân
USAID đánh giá cao vai trò của khối tư nhân trong việc xây dựng các giải pháp ứng phó với hệ quả của biến đổi khí hậu, cũng như giảm phát thải cacbon.
"Chúng ta cần nhanh chóng thúc đẩy khu vực tư nhân, không chỉ trong việc dịch chuyển qua năng lượng tái tạo, mà còn để họ giúp xây dựng các mô hình thích ứng cho người dân, đồng thời kiếm ra tiền", bà nói, lấy ví dụ bảo hiểm là một lĩnh vực tiềm năng để các doanh nghiệp gia nhập trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Một lĩnh vực khác là an ninh lương thực, nơi sự đầu tư vào các hạt giống chống chọi với ngập úng hoặc hệ thống thủy lợi đang được chú ý.
Bà Power thăm một trong hơn 10.000 trang trại nuôi trồng thủy sản nổi ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: A.P. |
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng đối với các thách thức tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, việc hoạch định ở cấp nhà nước, như đang diễn ra, là cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn trong việc ứng phó với rác thải nhựa, các quy định của nhà nước về tái chế đóng vai trò thiết yếu...
"Nhà nước là một yếu tố tối quan trọng, có rất nhiều thứ cần đến từ quy định của nhà nước, sự truyền thông của nhà nước hoặc các dịch vụ xã hội được cung cấp ở cấp độ địa phương và quốc gia. Sẽ không thể có cách giải pháp về nông nghiệp, giáo dục, y tế, năng lượng mà không có sự liên kết chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, ở mọi cấp độ của chính quyền. Không thể nào hỗ trợ tài chính cho điều gì ở đây mà không đảm bảo được môi trường pháp lý, thuế, giáo dục...", bà nói.
Tổng giám đốc Power cũng đã tới thăm nhà máy thuộc Tập đoàn VF của Mỹ để tham quan các hệ thống năng lượng tái tạo được lắp đặt có sự hỗ trợ từ USAID về hồ sơ, thủ tục và đang cung cấp điện cho hoạt động của nhà máy. Bà nhấn mạnh những hợp tác của USAID với Việt Nam để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.
"Dù trọng tâm của chuyến đi hôm nay là về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, USAID cũng đã đóng góp một cách bền vững vào nỗ lực của Việt Nam trong việc xanh hóa nền kinh tế... USIAD là một phần của Chương trình năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V- LEEP)", bà cho biết.
"Việc Việt Nam hiện mức 25% năng lượng phụ thuộc vào năng lượng Mặt Trời, đó là một bước tiếng lớn, nhưng với lượng phát thải từ Mỹ, từ các láng giềng của Việt Nam và từ cả Việt Nam, chúng ta cần đẩy nhanh tiến trình đó lên, và quá trình chuyển đổi qua năng lượng tái tạo bao gồm, nhưng không chỉ có năng lượng mặt trời", tổng giám đốc USAID nói.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.