Ông Nguyễn Minh Đức chính thức tiếp quản vị trí Tổng giám đốc HP Việt Nam vào tháng 7/2020. Cũng như các nền kinh tế khác, Việt Nam chịu tác động không nhỏ bởi dịch bệnh, buộc các nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có chính sách thích ứng với điều kiện mới.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực công nghệ, trên nhiều cương vị quản lý khác nhau, ông Đức có những chia sẻ về hướng đi của HP Việt Nam thời điểm này và trong tương lai.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng giám đốc HP Việt Nam. |
- Ông có thể chia sẻ về cơ duyên làm việc tại HP Việt Nam?
- Năm 2003, khi tôi còn là sinh viên năm cuối đại học Ngoại Thương Hà Nội, công ty FPT, khi đó là một trong những tập đoàn lớn nhất về công nghệ, có chương trình tuyển thực tập sinh. Với đam mê sẵn có với ngành công nghệ, tôi chọn thực tập tại công ty phân phối FPT nơi tôi được làm việc với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới trong đó có HP. Tôi tiếp tục làm việc tại ngành phân phối sản phẩm IT với vị trí cuối cùng là Phó TGĐ công ty phân phối FPT cho đến khi chuyển sang làm việc cho HP vào năm 2014 với chức danh Giám đốc sản phẩm cho HP Việt Nam.
- Tiếp nhận cương vị Tổng giám đốc HP Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông gặp phải thách thức gì?
- Khi đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là xây dựng chiến lược phát triển bền vững, lâu dài với HP tại thị trường Việt Nam để đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng.
Covid-19 là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt. Thách thức thứ hai là tính cạnh tranh cao. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ GDP tăng trưởng nhanh trên thế giới, thu hút nhiều các hãng công nghệ đầu tư và cung cấp giải pháp. Điều này buộc chúng tôi phải cung cấp những giải pháp tốt, để cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.
- Doanh nghiệp đã làm gì để vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra?
- Để thích ứng với các tác động, HP đã chủ động phản hồi để bảo vệ nhân viên, khách hàng và đối tác. Chúng tôi đã tăng cường các hoạt động sàng lọc ở các địa điểm. Đồng thời nhân viên công ty bắt đầu làm việc tại nhà, công ty cũng hủy các cuộc họp và sự kiện, và thay vào đó là giao tiếp trực tuyến.
Đối với hoạt động kinh doanh riêng của HP, cuộc khủng hoảng này đã khiến nhu cầu về các sản phẩm công nghệ liên quan đến làm việc và học tập tại nhà tăng lên trên toàn thế giới, từ máy in cá nhân đến PC và màn hình.
Cho dù điều gì xảy ra, chúng tôi đảm bảo rằng mỗi sản phẩm đều mang tính cá nhân hóa, thiết kế riêng cho nhu cầu của người tiêu dùng.
- Ông có kế hoạch gì để định vị thương hiệu HP trước các đối thủ cạnh tranh?
- Trong những năm tới, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục chịu dư âm từ đại dịch. HP xem đây là cơ hội lớn để tăng tốc chuyển đổi và củng cố danh tiếng là một trong những thương hiệu đáng tin cậy và sáng tạo.
Trong năm 2021, một phần quan trọng trong chiến lược của chúng tôi là thay đổi ngành công nghiệp bằng công nghệ và sản phẩm mới. Chúng tôi sẽ tận dụng các xu hướng mới trong ngành và nhu cầu của khách hàng, để mang đến những đổi mới về sản phẩm và dịch vụ cho các đối tác và khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam.
Bên cạnh những giải pháp công nghệ, sản phẩm tiên tiến, HP sẽ đầu tư cải thiện dịch vụ sau bán hàng, và xem đây là cơ hội trong suy thoái. Hiện tại chúng tôi có các chính sách như bảo hành trong ngày làm việc tiếp theo; bảo hành tại nhà; gửi trả bảo hành tại chỗ.
Nhờ đó, chúng tôi có thể tăng trưởng bền vững và hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, HP sẽ có những chính sách bán hàng linh động, chương trình trả góp cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, có thể dễ dàng tiếp cận các giải pháp công nghệ và sản phẩm của HP tại Việt Nam.
HP cũng sẽ tiếp tục cam kết tạo ra tác động bền vững thông qua các hoạt động xã hội nhằm cải thiện cuộc sống của các cộng đồng khó khăn ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Đức tại lễ khánh thành Trường tiểu học Kim Đồng, tỉnh Hậu Giang ngày 8/1. |
- Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, ông đánh giá tiềm năng thị trường sản phẩm số hóa tại Việt Nam ra sao?
- Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở châu Á -Thái Bình Dương. Chúng tôi đã xác định một số xu hướng thị trường.
Thứ nhất, người tiêu dùng muốn các thiết bị chất lượng cao, mang lại hiệu suất vượt trội, có tính thẩm mỹ cao, cung cấp dịch vụ khách hàng tốt và đến từ một thương hiệu nổi tiếng.
Thứ hai, theo kết quả khảo sát của We Are Social và Hootsuite, 66% dân số Việt Nam sử dụng Internet (64 triệu người dùng) để tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu liên tục kết nối.
Thứ ba, theo báo cáo TMĐT các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đến 38%.
Thứ tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh, và HP có các giải pháp công nghệ để giúp họ làm điều đó.
Từ những điểm này, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển công nghệ mũi nhọn để chuyển đổi hoạt động, phát triển kinh doanh, cải thiện cuộc sống và nâng cao cơ hội kinh tế tại Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ cung cấp những cải tiến mang tính chuyển đổi cho tất cả khách hàng của mình, được nhấn mạnh với chất lượng dịch vụ xuất sắc chưa từng có ở cả mảng PC và in ấn. HP cũng sẽ tập trung mở rộng quan hệ đối tác với các nhà phân phối địa phương, các đối tác kênh, bán lẻ và trực tuyến.
- Ông có thể chia sẻ chiến lược của HP Việt Nam thời gian tới?
- Chiến lược toàn cầu hiện tại của chúng tôi là tiến lên, phá vỡ và chuyển đổi. Điều này có nghĩa là HP phải thay đổi, tiến nhanh hơn, đồng thời tiếp tục tạo ra những trải nghiệm khiến người tiêu dùng và đối tác kinh ngạc.
Theo đó, “tiến lên” là doanh nghiệp sẽ nâng cao vị trí dẫn đầu trong hệ thống cá nhân và in ấn. Công ty sẽ “phá vỡ” các giới hạn công nghệ, tăng cường khả năng mua sắm đa kênh. Ngoài ra, doanh nghiệp đang “chuyển đổi” cách thức hoạt động để trở thành một công ty tập trung vào khách hàng hơn, hoạt động dựa trên kỹ thuật số và dữ liệu.
HP sẽ tiếp tục tạo ra các danh mục máy tính mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp và SMB. Điều này rất quan trọng khi thị trường kinh doanh trong tương lai đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động có tư duy phát triển và không ngừng học hỏi để duy trì tính cạnh tranh.
Bình luận