Nhớ những cái Tết thời thơ ấu, tôi nhớ đến những ngày đã rất xa.
Ngày ấy nhà tôi ở trên sườn đồi, trước nhà là đường quốc lộ. Bên đường có một hàng cây bạch đàn thân trắng cao vút, quanh năm xao xác rì rào. Mùa hè có những con cà cộ bụng vàng mắt đỏ bay về, lặng lẽ đậu trên lớp vỏ bạch đàn trắng tinh và hút từ đó ra một thứ tinh dầu trong suốt.
Bố mẹ tôi là giáo viên nghèo. Không sống được với đồng lương bèo bọt, bố tôi học hỏi làm thêm nghề nấu rượu - nuôi lợn. Lợn được nuôi bằng bỗng rượu. Rượu được nấu từ sắn, đem đổ cho các quán nhỏ ven đường. Nhà còn nuôi một con bò, coi như thứ tài sản để dành cho bốn chị em tôi ăn học.
Từ nhà tôi trèo lên đồi cao nhìn ra xa, qua trùng điệp đồi sở đồi chè phía trước, nếu trời nắng sẽ nhìn thấy một vệt lấp lánh như ánh sáng lóe lên từ mảnh gương vỡ. Đó là hồ Thác Bà. Những ngày cuối năm, thuyền đánh cá trên hồ thưa thớt, trâu bò thả trên những đồng cỏ ven hồ cũng vắng hơn. Chân đồi thấp thoáng bóng người chặt cây nứa cây giang về chẻ lạt, cắt lá dong về gói bánh chưng. Tết đã đến rồi, cái Tết nghèo của thời bao cấp.
Giáp Tết bao giờ cũng rét, núi đồi hiu quạnh, buồn thê lương. Rừng vầu sau nhà ẩm ướt phủ sương, đồi cọ im lìm, đi xa nữa là đến những quả gò heo hút trồng bồ đề, những nương lúa vàng hoe trơ gốc rạ. Trong gió rét âm u thổi, tôi vác tải đi lấy cỏ tích trữ cho bò ăn. Cỏ và lá chít lá sung được nhồi chặt vào ba bao tải to, đủ cho bò mẹ và bê con ăn trong mấy ngày Tết.
Bản tính lo xa nên đến tận bây giờ, đã nửa đời người, trong tiềm thức của tôi vẫn còn ám ảnh nỗi lo bò đói. Thỉnh thoản tôi vẫn ngủ mơ trở về ngôi nhà xưa cũ ấy, thấy bò bị nhốt trong chuồng tư sáng, cả ngày không được ai dắt đi chăn. [...]
Nhưng đọng lại phần nhiều trong mỗi nhớ thì Tết là những ngày vui. Thích nhất vẫn là những ngày hai chín, ba mươi Tết. Đó đây trong xóm vẳng tiếng lợn kêu. Thường thì đôi ba nhà cùng mổ và chung nhay một con lợn to, gọi là “ăn đụng”. Không khí trở nên náo nức bởi tiếng bước chân, tiếng người nói, và trên sân ngoài giếng bỗng sực lên mùi tiết lợn lẫn mùi lá xương sông dùng để đúc dồi.
Khi ấy nếu tiết trời ấm hơn, những khóm chanh trong vườn bắt đầu lấm tấm nụ. Mảnh vườn bên đường cái của nhà tôi trồng khá nhiều chanh, góc vườn có một cây cau, ở gốc có lùm trầu quanh năm xanh tốt. Mẹ tôi ăn trầu nên ngày nào cũng xuống đấy hái. Trong nỗi nhớ về Tết, không hiểu sao tôi cứ nhớ đến vườn chanh. Màu tím trắng thôn dã của nụ hoa chanh, giữa một ngày trong trẻo cuối năm, cứ khiến lòng mình se lại.
Ngoài việc đi lấy cỏ dự trữ cho bò với tâm trạng háo hức chờ Tết, chị em tôi còn có một niềm vui trong những ngày cuối cùng của năm là trang hoàng nhà cửa. Hai gian nhà vách nứa được chăng kín những trang báo ảnh Liên Xô bỗng trở nên lộng lẫy sáng trưng với cung điện nguy nga, rừng bạch dương rực rỡ lá vàng, sông Volga êm đềm và hồ Baikal xanh biếc…
Cành đào được dựng cạnh bàn thờ, năm nào cũng treo mấy quả bóng bay phơ phất. Nhà quét thật sạch, ấm chén rửa kỹ, xoong nồi đem ra kỳ cọ sáng bóng, tất cả đều phải làm mới, làm đẹp trước tối ba mươi.
Tranh của họa sĩ Kim Duẩn in trong Sách Tết Tân Sửu 2021. Nguồn: Đông A. |
Tôi nhớ chẳng có ba mươi tết nào mình thức được đến nửa đêm. Cố thức cũng không có gì để chơi để xem khi cả xã vẫn dùng đèn dầu. Đến năm tôi học cấp ba mới được nhìn thấy điện. Đêm miền núi lại dài và tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng lục ục sôi của nồi bánh chưng trên bếp. Nửa đêm bố lại giường đánh thức tôi, giọng gấp gáp: “Dậy! Dậy! Giao thừa rồi!”.
Giao thừa, cả vùng tối đen như mực. Tiếng pháo các nhà bắt đầu lạch tạch. Đâu đó có ai bắn súng, đường đạn như hòn than đỏ vọt lên trời. Bố tôi cầm que đóm run run châm lửa vào bánh pháo dài treo trước hiên. Mấy chị em tôi hồi hộp, vừa lo pháo nhà mình nổ kém, vừa lắng tai nghe tiếng pháo các nhà bên.
Lẫn trong tiếng nổ đanh của pháo con thỉnh thoảng lại dội lên tiếng nổ rền của pháo cối. Đêm bao mươi, nhà nào khá giả hoặc chịu chơi thì đốt hai, ba bánh. Nhà nghèo thì chỉ một thôi.
Khi tiếng pháo đã ngừng, cả khu rừng rậm rạp sau nhà như xạc xào chuyển động. Hình như có tiếng thì thầm đâu đó trên vườn chè và những bụi mai, bụi diễn, cây mít quanh nhà - vốn rất nhiều bóng tối và về đêm thường làm chị em tôi sợ hãi. Không biết có phải đất này nhiều ma như lời đồn đại, nhưng mỗi đêm trừ tịch tôi lại cảm thấy một cái gì đó rất thiêng. Cảm giác này còn theo tôi mãi về sau, khi đã rời quê hương đi về xứ khác.
Sớm đầu năm, sau khi đặt mâm lên bàn thờ và thắp hương cúng khấn, bố tôi đốt bánh pháo thứ hai. Pháo được treo vào cọc trên sân, nơi có luống hoa đồng tiền cạnh một cây đào nhỏ. Khói pháo bay vào nhà, thơm nồng, vương vấn. Khắp sân đỏ hồng xác pháo chen lẫn vài cánh mỏng hoa đào.
Đã thành lệ, sáng mùng một Tết năm nào bốn chị em tôi cũng theo bố mẹ đạp xe sang nhà ông bà ngoại ở xã bên. Con đường rải đá men theo dải đồi vắng, sương sớm vương trên cỏ ướt lẫn vào khói bếp tỏa lên từ mấy nhà ẩn trong cây cối vườn tược ven đường. Nhà các chú các dì quây quần quanh mấy quả đồi nên chỉ một ngày là đi hết họ hàng bên ngoại.
Yên Bái vốn là xứ mưa - do hồ Thác Bà ảnh hưởng đến khí hậu chung - tôi nhớ Tết nào cũng có mưa lất phất, vào ngõ nhà ai cũng có hoa đào xác pháo lẫn trong bùi đất dính vào đế giày. Đến nhà nào cũng thấy phảng phất mùi bưởi chín trên bàn thờ quyện với mùi hương, mùi những hộp mứt, những gói trà sen, nhưng bao thuốc lá Sông Cầu, Điện Biên… thứ hương vị Tết khó quên một thời bao cấp.
Đi chơi Tết, thích nhất là diện quần áo mới, được thấy mình sột soạt trong lớp vải mà mẹ giữ trong tủ đã lâu, còn thơm mùi băng phiến. Hết Tết thì cho vào rủ cất đi, đến Tết năm sau lấy ra mặc lại, vẫn còn mới tuy đã hơi cộc. Phải sau hai cái Tết, bộ cánh ấy mới được mặc đi làm đi học, sống cuộc đời mưa nắng ngày thường.
Khi tôi học lên cấp ba, đất nước bước vào cơ chế thị trường, đời sống bắt đầu khấm khá hơn. Nhà dành dụm mãi cũng mua được tivi màu và đài cassette hai cửa băng, sáng mùng một Tết tôi dậy sớm mở nhạc Tây vang lừng khắp xóm. Chiếc bằng để sẵn trong đài, hai bên hai chiếc loa thùng, đợi vị khách đầu tiên đến xông nhà là ấn nút bật nhạc Boney M. như một nghi lễ trang nghiêm chào mừng khách. Ngày ấy coi thế là oai lắm, bây giờ nhớ lại thì thấy xấu hổ vì quê mùa.
Từ ngày bố mẹ chuyển lên Lào Cai, tôi với chị em đón Tết ở một không gian mới. Mỗi năm từ Hà Nội về đấy ăn Tết, tôi thích cùng đứa cháu con chị cả đi bộ từ nhà ra chợ hoa xuân. Miên man nào quất nào lan nào cúc nào hồng cùng cả nghìn cây đào từ xứ núi Sa Pa chuyển về trải dọc triền sông giữa lòng thành phố Lào Cai đến khoảng ba cây số.
Nhìn những thân đào còn bám đầy rêu phong bản làng xa xôi thấp thoáng nếp nhà với cây đào nở hồng trước cửa, cây mận nở trắng bên vườn hoa cải vàng rực sau nhà. Ở đâu quen đấy, biết vậy nhưng tôi vẫn nghĩ, chẳng Tết ở nơi nào nên thơ, ấm áp và bản sắc hơn những miền biên ải vùng cao.
Nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái, mấy năm qua ở Lào Cai Tết nào cũng nắng. Cả nước sấm rên mưa đá khắp nơi, nhưng Tết con chuột vừa rồi, Lào Cai vẫn rười rượi nắng. Nắng trong veo chảy trên đường phố, trong mỗi ngõ nhỏ thanh bình. Tôi đi từ thành phố về phía Làng Giàng, trên chuyến đò trưa ngắm những vườn táo sum suê trĩu quả, những luống rau ngọt ngào xanh mướt, những bãi ngô mập mạp ven sông. Trong nắng vàng tươi, tôi nhớ về cái Tết thuở ấu thơ - nay đã chìm vào rất xa - dưới màn mưa mờ trắng.