Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết ông Táo: Nhà lầu xe hơi ế, hàng bình dân hút khách

Thị trường đồ hàng mã đang bắt đầu sôi động khi Tết ông Táo đến gần. Năm nay mặt hàng có giá trung bình được chọn mua nhiều nhất.

Ngay từ những ngày cuối tháng 12, trên nhiều tuyến phố Hà Nội đã xuất hiện những gánh hàng rong bán đồ hàng mã cúng lễ cho Tết ông Công, ông Táo. Đến nay, những gánh hàng này ngày càng nhiều hơn, cùng với đó là các cửa hàng bán đồ thờ lễ cũng bắt đầu treo ra mặt tiền những bộ áo quần của thổ công và thần bếp. Thậm chí mặt hàng đặc biệt này còn xuất hiện ở những cửa hàng không chuyên doanh.

Năm nay hàng mã cúng lễ cũng không có gì mới, vẫn là những bộ quần áo, hài, mũ, cá chép, tiền vàng, ngựa giấy… để tiễn ông Táo về trời. Giá cả loại hàng hóa này cũng tùy theo điểm bán, kích cỡ, chất liệu mà có thể chênh lệch từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Một bộ “ông Công, ông Táo” gồm 3 mũ, 3 bộ quần áo được làm với cỡ nhỏ, cỡ trung và cỡ to. Loại làm bằng giấy màu thường có giá rẻ nhất với 45.000-60.000 đồng/bộ nhỏ, 90.000- 110.000 đồng/bộ cỡ trung và loại to 140.000-160.000 đồng/bộ. Đắt nhất là loại mã làm bằng giấy màu bóng, có in hoa văn chìm, thậm chí còn là giấy có mùi thơm… Một bộ như vậy cỡ to được bán không dưới 300.000 đồng.

Theo một người bán hàng trên phố Hàng Mã: Cận ngày rồi nhưng hàng vẫn còn ế nhiều, khách đến mua cũng ít hơn hẳn. Năm nay khách chủ yếu mua bộ đồ cũng cỡ nhỏ và cỡ trung có giá từ 50.000- 120.000 đồng/bộ và tiền vàng. Có mua thêm thì là ngựa giấy hay cá chép…những mặt hàng khác như nhà lầu, xe hơi, tivi thì gần như không bán được.

Một cửa hàng chuyên bán đồ cúng lễ trên phố Chính Kinh, Hà Nội, cho biết năm nay giá mã hầu như không tăng so với năm ngoái dù một số nguyên liệu có tăng vì sức mua năm nay khá chậm. Cửa hàng cũng chỉ tập trung làm những hàng giá rẻ chất liệu giấy thường còn giấy đẹp chỉ làm vài chục bộ. Giá bán 1 cặp ngựa giấy tại đây đang là 65.000- 90.000 đồng, bộ hàng mã từ 40.000-70.000 đồng.

Hiện tại sức mua hàng còn yếu nhưng tới vài ngày cận Tết 23 tháng Chạp thì sức mua sẽ tăng đáng kể. Theo quan điểm tín ngưỡng của phần đông người dân, nhiều thứ có thể tiết kiệm chứ đồ cúng lễ thì khó có thể bớt được. Song người mua sẽ có sự đắn đo, cân đối để chi phí bỏ ra không quá cao trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi có những gia đình sẵn sàng chi tiền không tiếc tay cho những việc cúng lễ lấy may vì xu hướng “Phú quý sinh lễ nghĩa” và bởi số tiền họ có được khá dễ dàng.

http://songmoi.vn/kinh-te-thi-truong/hang-ma-cung-ong-tao-nguoi-mua-chon-hang-binh-dan

Theo Sống Mới

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm