Tết luôn là dịp được mong chờ, dẫu là những dịp Tết lớn như: Tết Nguyên Đán, tết Trung thu, tết Táo Quân hay vài cái tết nhỏ xinh và có những món ăn đặc biệt như: tết Đoan ngọ hay tết Hàn thực. Chút háo hức, dù là nhỏ bé cũng làm cho những ngày lễ trở nên đặc biệt hơn.
Nghĩ cũng thật lạ, ở những ngày hè oi bức, người ta lại ăn thứ đồ nóng kiểu như cơm rượu. Khi đang còn chút hơi lạnh của mùa đông, lại ăn thêm những thức nguội… Câu chuyện về tục “giết sâu bọ” hay điển tích về ông Giới Tử Thôi nào đó ở phương bắc xa xôi, chúng ta tạm thời không nhắc tới nữa. Nhưng xem ra mấy món ăn này không hợp với nguyên lý âm- dương của người Á Đông cho lắm!
Mùa lạnh, đáng lẽ phải ăn đồ nóng để hàn khí không xâm nhập vào cơ thể. Ngược lại, lúc trời oi bức thì bổ sung những thức quà mát mẻ. Thế mới là hợp cảnh! Nhưng tháng ba âm có ăn thức lạnh, người ta mới nhớ rằng mùa đông sắp qua. Tháng năm, ăn chút đồ nóng, đồ chua để nhắc nhở rằng mùa hè đang tới. Bên trong những thức quà bình dị ấy là những bài học thâm trầm mà người đã gửi đến hậu thế bằng những cách ý nhị, đầy tinh tế!
Nhắc đến tết Hàn thực là người ta nhớ ngay đến món bánh trôi. |
Nhắc đến tết Hàn thực, người ta nhớ ngay đến món bánh trôi, bánh chay. Những viên bột tròn trĩnh, chứa đựng trong mình nào đỗ, nào đường, phải đợi cả năm mới được ra mắt thiên hạ. Bên trên điểm xuyết chút vừng và mấy cọng dừa nạo. Nhẹ nhàng, thanh cảnh thế thôi, nhưng bánh trôi, bánh chay đã khiến bao người thương nhớ. Để rồi từ một món ăn chỉ phục vụ dịp lễ tết, nó đã trở thành món quà vặt ưa thích cho những người hảo ngọt.
Nhưng bánh trôi, và bánh chay ngon nhất vẫn là khi được ăn đúng vào tháng ba, lúc trời còn se se lạnh. Những chiếc bánh ngọt ngào khiến người ta thấy ấm áp hơn. Trong miệng, vị ngọt của đường, của đỗ, của bột nếp hòa quyện lại với nhau một cách rất thi vị và ngọt ngào.
Tết Hàn thực, ở đâu người ta cũng làm bánh trôi, bánh chay. Riêng quê ngoại của tôi lại ăn bánh nhè. Đó là một thứ quà na ná bánh chay của người miền bắc. Chỉ khác là bánh chay được nấu trong nước lạnh, rồi pha chút bột sắn, còn bánh nhè lại được nấu cùng mật mía.
Những chiếc bánh trắng ngần, chuyển thành màu cánh gián nom rất bắt mắt. Một bát bánh nhè xinh xinh chỉ có khoảng ba chiếc. Bánh ngọt hắc nên cũng chẳng mấy ai ăn được nhiều. Ngày bé, tôi hỏi bà vì sao quê mình lại ăn bánh nhè chứ không phải bánh trôi, bánh chay.
Bánh trôi giờ đây đã mang nhiều cải biến, không còn là chiếc bánh trắng ngần, ba chìm bảy nổi nữa. |
Bà bảo rằng: chắc do người làng quay được mật mía, nhưng cả năm có mỗi cái Tết, chấm mấy miếng bánh chưng làm sao hết được. Có để chai mật ở đó để kho cá quanh năm thì vẫn còn nhiều. Chắc có lẽ người ta mới làm bánh nhè cho đỡ phí!
Bây giờ, ở làng tôi, nhiều người cũng làm bánh trôi, bánh chay để cúng Tết Mùng Ba, nhưng bà vẫn làm bánh nhè, cái thứ bánh màu nâu, ngọt hắc. Và chai mật mía vẫn im lìm nơi góc bếp để nhắc về những điều xưa cũ mà chúng ta sẽ chẳng được quên.
Tháng ba còn là dịp để chờ đợi. Người ta đợi tiết Thanh minh để đi tảo mộ ông mà. Thắp lên nấm mồ xanh đôi ba nén hương để người dưới suối vàng biết là nhớ thương còn nhiều lắm!
Tháng ba người ta đợi rét nàng Bân, đợt rét chỉ có mấy ngày nhưng cũng đủ khiến nhiều người sợ lạnh. Chăn đệm toan định cất, lại phải giở ra đắp. Cái khăn len ở yên trong tủ lại được lấy ra quàng. Ngày nắng đôi khi đến vội làm người ta tưởng hết rét rồi, nhưng đâu có phải. Lạnh thêm một chút, rét thêm một chút để người ta thấy nhớ mùa đông. Ai thích ăn ngô nướng, khoai nướng thì còn tranh thủ thưởng thức món khoái khẩu trong cái se sắt cho hợp cảnh, hợp tình.
Những người ham ngủ có thêm cơ hội để cuộn mình vào trong chăn, vùi trong cái ấm áp để mơ một giấc thật êm đềm. Bởi cái nóng của những ngày tháng năm sắp tới có thể đánh thức cơn mộng mị. Cuối cùng, chúng ta lại sắp phải tạm biệt mùa đông!