Mỹ ngừng ném bom, các gia đình ly tán tứ phương dần trở về phố cũ. Phố vẫn phố, cây vẫn cây, trải qua bao ngày xa cách, giờ gặp lại mến yêu thân thuộc làm sao.
Phùn mưa xứ Bắc, màn mưa riêu riêu của Vũ Bằng như tấm rèm thưa lạnh trùm lên toàn bộ không gian, khiến đường phố nhỏ như tối và chật hơn. Lướt chen qua cửa vết ướt đỏ mờ bó hồng quế của gánh hàng hoa cúng, là biết mai rằm.
Rằm tháng chạp coi như cái Tết đã cận kề (đây là Tết 1973, sau khi Mỹ ký hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam).
Phố Hàng Khoai trên nơi nhà tôi ở, cùng với Cống Chéo - Hàng Lược, một phần phố Hàng Mã giáp chợ Đồng Xuân, là khu vực chợ hoa Tết cũ của đất kinh thành. Dòng người đi sơ tán nay hồi hương, nhộn nhịp trảy sắm cái Tết yên bình đầu tiên sau mấy năm bom đạn.
Mới hai mươi tháng chạp, thương nghiệp thành phố đã dựng gian hàng tạm bằng tre tươi và cót đan ở đầu Hàng Lược, chỗ cầu tàu hỏa Hàng Cót để bán lá dong gói bánh chưng. Lá dong phân phối tiêu chuẩn Tết thường được cắt bằng các ô phiếu phụ bìa mua chất đốt. Vị trí này cũng là nơi các xe tải chở củi gộc về thành, tập kết bán cho dân để luộc bánh.
Đoạn phố này của Hàng Lược cũng là nơi bán hoa đào. Người trồng hoa ngoại thành chở hoa đào vào phố, buộc gọn cành dựa suốt dọc tường “chùa Tây đen”, tên gọi nôm na của thánh đường Hồi giáo duy nhất ở Hà Nội, tọa lạc trên phố. Người bán chọn những cành mẫu nhiều nụ lộc hoa, cầm trên tay mời gọi người mua.
Thời chiến tranh hay thời bao cấp, các cành đào cũng đồng dạng bình đẳng như nhau trong nhất thể kiểu dáng bu gà. Thảng hoặc lắm mới thấy vài thế đào phai năm cánh kiêu bạc vươn cành sương kính.
Phố hoa đào ngày chợ đông, đứng trên ban công gác hai nhà thằng Cường nhìn xuống, trông như một con sông nhỏ màu hồng chảy trong mưa bụi. Chỗ này không hấp dẫn bọn trẻ con chúng tôi. Chỉ có các ông già, mấy bác trung niên đi đi lại lại, xem ngắm bình phẩm đào hoa cả buổi mà có khi chẳng mua cho con người ta cành nào.
Phía Hàng Lược trên là nơi bán các loại cây cảnh nhỏ, các giống hoa trồng trong chậu: Cúc bách nhật, cúc móng rồng, cúc đại đóa, cúc vạn thọ, cúc họa mi... Có đến cả chục loại cúc khác nhau. Hàng hoa đá, hoa păng xê (pansy), hoa marguerite... bày cạnh chậu rong la hán, rong kim hàng cá cảnh.
Tôi mê mải ngắm các hòn non bộ xinh xinh rêu bám xanh rì, dầm chân trong chậu xi măng ngập nước thả bèo tấm. Tôi thích những mái chùa đất nung cũ kỹ, những cây cầu cong bé xíu nép dưới bóng trúc chỉ hay gốc sanh, si lua tua rễ phụ cấy trên non bộ.
Những hòn non bộ khéo làm luôn gợi cảm giác thanh thản yên bình. Lão ngư phủ râu dài cô đơn đội nón buông câu, ngồi tịnh trên hòn rêu thắm, mặc xác thiên hạ đang kéo qua rầm rập, hớt hải đuổi theo phút giây đêm trừ tịch đang sắp cận kề.
Vỉa hè góc giao trên phố Hàng Lược giáp Hàng Mã, người ta cũng dựng một gian hàng tạm bày bán tranh Tết và câu đối Tết. Đây là chỗ khoái thú của ông ngoại tôi.
Các câu đối viết, in bằng chữ quốc ngữ, bo theo khuôn hình ô van hoặc tròn trên nền đỏ cho có vẻ theo lối mẫu tự cổ điển tượng hình. Ông tôi mua mấy câu đối về dán lên đỏ tường. Nội dung đại loại một câu như tôi còn nhớ:
Vui Tết thi đua xưởng máy ba ca lò đỏ lửa.
Mừng xuân thắng lợi cánh đồng năm tấn lúa vàng bông.
Ông giảng giải cho tôi về niêm luật câu đối, phải đối ý đối lời, đối màu sắc, đối số lượng, đối âm bằng trắc... thậm chí đối cả điển cố trong những câu đối bất hủ để đời. Có những câu đối hiên ngang trước hoàng triều kẻ địch thù, khiến bậc tiết tháo vong thân báo quốc. Ông cao hứng, ngâm nga:
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
Đằng giang tự cổ huyết do hồng... ư... ư...
“Ông Giang Văn Minh đấy! Thế mới gọi là đối nhau chan chát. Hiểu chưa?”. Ông tôi vỗ đùi đánh đét, khoái trá giảng tiếp: “Tỷ dụ như câu đối trên tường kia nhé! Vui đối với Mừng, Xuân đối với Tết, Thi đua đối với Thắng lợi thì quá chỉnh, không có gì phải bàn. Xưởng máy đối với Cánh đồng thiết tưởng chẳng còn gì hay hơn, phải không?” [...]
Bà ngoại tôi đang ngồi rọc tước lá dong, bỗng gắt lên với ông: “Thành quả gì! Nhà hết mì sợi rồi, định ăn bánh chưng vã qua Tết à? Ông có đi xếp hàng mua ngay cho tôi không?”.
Ông tôi ngừng giảng, giũ giũ cái bao tải vá, lẳng lặng lấy sổ gạo ra cửa hàng lương thực phố Hàng Đồng. Tiếng guốc mộc của ông khua rộn vang hè phố một ngày lạnh cuối đông.
Ông ngoại tôi thích câu đối, nhưng tôi thích pháo hơn. Những ngày áp Tết đang ở xa phương trời nào, chợt nghe tiếng pháo lẻ đì đẹt, nghe mùi thơm khói pháo thoảng trong gió đông hây hẩy là chỉ muốn mau trở về nhà với gia đình đầm ấm.
Tiếng pháo lẻ nghe trên đường xa hẳn khiến lòng người lớn sốt ruột, nhưng luôn gây háo hức với tụi trẻ con đang mong chờ kỳ nghỉ Tết. Bao nhiêu tiền bà hay mẹ cho ăn quà, tôi đều để dành mua pháo đốt.
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột.
Om sòm trên vách bức tranh gà.
Pháo chuột hay pháo tép, là loại pháo nhỏ nhất chỉ dành cho trẻ con đốt chơi, giá tám hào một bánh. Bánh pháo tép có 120 quả, Tết thành phong từ những quả pháo ngắn khoảng 3 cm, thân nhỏ như nén hương trầm và có nhiều màu sắc khác nhau. Năm quả màu lục, tiếp năm quả màu vàng, đến năm quả màu đỏ suốt chiều dài bánh pháo. Hai bên dây ngòi cũng phải Tết đối màu nhau...
Cứ thế, cả phong pháo là một dải màu vui mắt. Tuy nhỏ, tiếng pháo tép nổ khá đanh vì ruột pháo sử dụng thuốc nổ lưu huỳnh vàng.
Pháo cầu tám thủ công Bình Đà là loại phổ thông nhất, giá đồng hai một bánh 180 quả. Vỉa hè dải phố Đồng Xuân từ nhà số 1 sát phố Cầu Đông đến nhà số 29 cạnh phố Hàng Chiếu chuyên bán loại pháo này. Khu nhà số 9 vốn là một cái chùa cũ, sau tiếp quản Hà Nội dân dần vào ở, trở thành một khu chung cư nhiều hộ.
Đây là một “công xưởng” sản xuất bao bì cho các bánh pháo gia công. Vỏ pháo hồng thẫm giấy bản mấy lượt phủ bên ngoài, bên trong ruột vẫn quấn giấy báo. Thuốc pháo diêm sinh đen, sau này người ta trộn thêm bột nhôm mịn để khi nổ có ánh chớp sáng lòa, gọi là pháo điện quang.
Là pháo gia công nhưng pháo Bình Đà nổ khá giòn, nhất là khi chống ẩm tốt. Nhược điểm của loại pháo này là ngòi ngắn và cháy rất nhanh, có khi nổ ngay trên tay vì chưa kịp ném đi. Gần đến giao thừa, cậu tôi hay để bánh pháo lên vung thùng bánh chưng đang luộc để sấy, hy vọng tràng pháo khai xuân nổ giòn giã, mang lại nhiều điều may mắn.
Pháo Trúc Bạch là loại pháo chất lượng nhất, do nhà nước làm và chỉ bán theo tiêu chuẩn mỗi gia đình một phong trong túi hàng Tết, giá đồng rưỡi. Phong pháo Trúc Bạch 180 quả, kích cỡ lớn hơn pháo gia công một chút. Mỗi phong kèm thêm 5 quả pháo đùng ngòi kép để mắc vào bánh pháo khi đốt. Ngòi pháo dài, cháy chậm rất an toàn.
Vỏ pháo Trúc Bạch toàn bộ từ trong ra ngoài quấn giấy bản màu hồng nhạt. Bánh pháo treo trên tầng hai chớp nổ giòn giã, thỉnh thoảng điểm tiếng trầm lớn đĩnh đạc của pháo đùng. Dọc phố giao thừa rền rền tiếng nổ. Pháo tan xác pháo, hồng bay lỏa tỏa như một trận mưa cánh hoa đào.