Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết của ngư dân trở về từ cõi chết

Họ nghẹn ngào xếp tạm khăn tang, nai lưng bòn mót từng đồng đắp đổi cho qua những ngày Tết.

"Khất" con mùa Tết sang năm

Căn nhà cấp 4 dột nát cuối thôn Hùng Phong vẫn cứ ủ rũ, lặng lẽ suốt gần hai tháng qua. Nơi đây đã vắng hết những tiếng cười, không có lấy một niềm vui dù là nhỏ nhoi. Tháng Chạp đi đến những ngày cuối cùng, nỗi tủi buồn như càng thêm chất nặng.

Ngày nghe tin anh gặp nạn, chị suy sụp, khóc xé lên như đứt từng khúc ruột. Xóm chài cũng trở nên u ám trước những lời khóc than não ruột của góa phụ trẻ. Chưa đầy 30 tuổi, chị Mai Thị Phượng đã mang lấy phận góa chồng. Chồng chị, anh Hồ Vĩnh Thế, một trong 8 thuyền viên xấu số đã gặp đại nạn vào ngày cuối tháng 11/2013. Anh đi rồi, để lại cho chị gian nhà tồi tàn, 2 đứa con thơ cùng gánh nặng nợ nần phải trả.

Chị Mai Thị Phượng, vợ thuyền viên mất tích Hồ Vĩnh Thế nhận làm hàng mã với thù lao bèo bọt, chỉ mong kiếm được ít tiền lo Tết cho 2 con nhỏ.

Trong cái rét cuối năm nơi làng biển, chị kể như khóc: “Từ ngày chồng mất, tôi chẳng còn thiết sống nữa, mà cũng chẳng biết làm gì để sống. Nhưng rồi vì thương con, tôi phải cắn răng chịu đựng. Qua 49 ngày cho chồng, tôi phải chạy đi tìm việc mong kiếm ít tiền. Nhưng cuối năm trong làng chẳng có việc gì làm, ngay cả làm muối cũng không được. Nhiều bữa trở về nhà, tôi chỉ biết ôm 2 đứa con mà khóc”.

"Tôi nhận giấy mã về nhà để làm, cứ được 10kg thì người ta trả cho 20.000 đồng. Thế mà nguyên một ngày, tôi với em dâu ngồi làm chung mà cũng chưa được 10kg. Thu nhập bèo bọt nhưng chúng tôi cũng chẳng còn lựa chọn nào hơn". Những ngày cận Tết, chị khấp khởi hy vọng khi tìm được một công việc nhỏ, đó là nhận làm hàng mã cho một cửa hàng trong làng. Tuy nhiên ngay ngày làm đầu tiên, chị đã phải thất vọng.

"Hy vọng từ nay đến Tết cố gắng làm được một ít đồng bạc mà mua nếp gói bánh. Quần áo, kẹo bánh của các con thì đành phải khất đến Tết năm sau may ra mới có" - chị Phượng buồn tủi cho biết.

Chị Phượng cùng em dâu một ngày làm hàng mã cũng chưa làm đủ 10kg để nhận 20.000 đồng.

Tết của người trở về từ cõi chết

Về thôn Hùng Phong, chúng tôi khó khăn lắm mới gặp lại được anh Hồ Vĩnh Lai, một trong hai thuyền viên may mắn được cứu vớt trong vụ chìm tàu hồi cuối tháng 11/2013. Lý do là anh chẳng mấy khi ở nhà, mà suốt ngày cặm cụi đi nạo vét đầm chuẩn bị nuôi tôm.

Trải qua hơn 50 ngày, nhưng hễ cứ nhắc đến vụ chìm tàu là anh Lai lại thấy ớn lạnh. Chiều tối ngày anh sống sót trở về, cả thôn Hùng Phong vây kín trong sân nhà để tận mắt nhìn được anh, và nghe anh kể chuyện trở về từ cõi chết. Ngày đó vợ anh đang mang bầu tháng cuối, và nay chị Hồ Thị Hoàn đã sinh cho chồng một bé trai kháu khỉnh.

“Nhà còn lắm nợ nần nhưng vợ tôi nhất quyết không cho đi biển nữa, sợ tôi chẳng về như chú Thế và những người khác. Tôi bàn với vợ phải cải tạo lại cái ao đầm vốn bỏ hoang để nuôi tôm. Cả cái đầm xa nhà rộng chừng 5 sào và một cái đầm nhỏ trong vườn chừng 1 sào sẽ được tôi nạo vét lại. Trước đây nhà tôi cũng có nuôi nhưng dịch bệnh khiến thất thu hết. Nay tôi quyết làm lại. Ra tết tôi vay mượn ngân hàng rồi mua tôm giống thả cả 2 ao” – anh Hồ Vĩnh Lai chia sẻ dự định.

Sau lần chết hụt trên biển, anh Hồ Vĩnh Lai chuyển sang sửa ao để vay vốn nuôi tôm.

Tuy nhiên đó là câu chuyện của tương lai, còn trước mắt anh vẫn chưa biết xoay sở thế nào để lo tết cho gia đình. Ngoài vợ cùng 3 con nhỏ, anh còn có mẹ già đau yếu.

“Mấy ngày gần tết ngoài chuyện sửa ao, tôi cố gắng tranh thủ xin đi phụ thợ nề, bốc vác để kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Mùa biển năm nay may mà còn giữ được tấm thân này, còn tiền bạc thì chẳng còn xu nào nữa. Tết này chắc chắn là đói rồi! Chỉ mong ông Trời phù hộ cho mọi người trong gia đình có sức khỏe. Hy vọng những ngày khắc khổ này sẽ sớm qua” – anh Lai nói mà rưng rưng nước mắt.

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/159860/tet-cua-ngu-dan-tro-ve-tu-coi-chet.html

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm