Nếu không có cây cầu nối đôi bờ vừa được xây dưng xong trong năm 2013, xóm Gò chỉ là một ốc đảo. Chúng tôi đến thăm xóm Gò vào những ngày cận Tết để chứng kiến cuộc sống của bà con ở vùng đất bị lãng quên này.
Khắp nơi là cây bồn bồn
Đi dọc theo quốc lộ 50, đến ấp 1 xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM), qua cây cầu còn thơm mùi vữa mới, chúng tôi đến xóm Gò.
Con đường mòn độc đạo sâu hun hút, chỉ đủ một chiếc xe gắn máy dẫn lối ra vào. Ít ai có thể hình dung được, lọt thỏm giữa chốn phố thị hoa lệ, nhộn nhịp nơi đây lại có một vùng đất yên bình, tĩnh lặng đến thế.
Đường vào xóm Gò. |
Không náo nhiệt. Chẳng ồn ào. Khoảng 120 hộ dân bao quanh diện tích 300 ha, xóm Gò nằm biệt lập với bên ngoài.
Đập vào mắt chúng tôi là quang cảnh sông nước bình yên. Trải dài trên những con rạch, ao hồ, một màu xanh ngắt của giống cây bồn bồn, một loại cây chỉ thích hợp với vùng sông nước; là loại rau sạch, có giá trị kinh tế cao, được nhiều nông dân trồng để phát triển kinh tế gia đình.
Nhìn toàn cảnh xóm Gò vào những ngày cận Tết, dường như không khí của ngày đầu năm chưa hiện diện nơi đây. Vẫn bốn bề vắng ngắt. Vẫn tiếng chó tru lên mỗi khi có người lạ bước vào.
Ghé vào một căn hộ. Người phụ nữ đứng tuổi đang chuyển những bó bồn bồn vừa mới thu hoạch vào nhà. Chị là Nguyễn Thị Bảy – tên người phụ nữ - sinh ra và lớn lên ở vùng đất xóm Gò này.
Nhìn chị, không có vẻ gì là một người dân thành thị. Chiếc áo bà ba cùng với quần đen thấm đầy bùn đất, chị nói với chúng tôi: “Đi cả buổi sáng đến giờ mới được chừng này bồn bồn. Càng gần tết, bồn bồn chết càng nhiều. Năm nay bồn bồn thất quá, cao nhất chỉ 11 nghìn đồng/kg nhưng nhà lại chẳng có để bán. Buồn quá, chẳng biết lấy gì để ăn Tết”.
Làm sạch bồn bồn trước khi giao cho thương lái. |
Chị giải thích thêm, bao bọc xóm Gò là sông Sài Gòn nhưng nước sông bị ô nhiễm nặng. Tôm cá, các nguồn lợi thủy sản chẳng thể sống nổi. Chỉ có loài cây bồn bồn giữ chân chúng tôi lại ở cái xóm nhỏ này. Giờ thi bồn bồn cũng chẳng chịu nổi ô nhiễm đã bắt đầu chết dần.
Chạy dài bên triền đê, những ngôi nhà được lợp bằng lá dừa nước đơn sơ, nằm thưa thớt đang run lên theo từng cơn gió bên sông thổi vào. Chúng tôi men theo con đường nhỏ đi vào sâu bên trong. Cách khoảng vài trăm mét mới có một hộ dân sinh sống.
Xóm Gò là thế đó, là góc khuất của một thành phố năng động nhất nước.
Vị Tết nơi xóm nghèo
Trong căn nhà nền đất vách lá, ông Lê Văn Lùn kể: “Bên kia sông là bãi rác Đa Phước. Những năm đầu, khi bãi rác bắt đầu tiếp nhận rác thì ở xóm Gò chúng tôi bà con cực khổ trăm bề.
Trên bờ, mùi hôi thối nồng nặc. Ruồi nhặng nhiều, đến mức phải giăng mùng để ăn cơm. Dưới nước, tôm cá làm sao mà sống cho được. Nghề đánh bắt thủy sản xem như phá sản, buộc chúng tôi phải chuyển sang trồng bồn bồn. Cũng may, tình trạng ô nhiễm đến nay giảm dần…”.
Một trong những hộ dân ở xóm Gò. |
Chỉ cho tôi xem một vạt bồn bồn, ông Lùn nói tiếp: bồn bồn là loài cây mọc hoang theo vùng đất bùn thấp hay những ao hồ có dòng nước chảy chậm. Chúng dễ sống, dễ sinh sôi nên cũng rất dễ trồng. Thu hoạch bồn bồn phải qua nhiều công đoạn để cuối cùng còn lại lõi trắng bên trong.
Hỏi thăm ông chuẩn bị đón tết thế nào? Ông nở nụ cười hiền “Tết cũng phải có một ít dưa hành. Vài con gà, đôi con vịt nuôi từ mấy tháng trước. Thế thôi. Ngày tết, hàng xóm qua lại chúc tụng, uống chén trà, ly rượu đế chứ chẳng đi đâu xa. Cái vui nhất và ấm áp nhất là con cháu quây quần về đây ăn Tết”.
Ở một căn nhà khác, chị Ngô Thị Hoàng Kiên buồn bã: "Trước Tết vài tháng bồn bồn của nhà chết sạch. Ông xã phải vào thành phố làm phụ hồ. Cũng may cuối năm nhiều việc nên anh ấy kiếm cũng được chút ít, phụ với rau khoai sẵn trong vườn cũng đủ để cùng các con vui Tết.
Cây bồn bồn đã cứu đói bà con xóm Gò từ bao năm nay. Những ngày giáp Tết, lượng rác ở bãi rác Đa Phước tăng cao. Dòng nước ô nhiễm nặng nề thêm đã làm chết khá nhiều cây bồn bồn. Nguồn sống duy nhất bị đe dọa, người dân xóm Gò ăn Tết trong muộn phiền.
Tết đã cận kề, không khí ở xóm Gò vẫn lặng lẽ như ngày thường. Nhịp sống của người dân nơi đây quá đỗi giản đơn.
Thiếu thốn, nghèo nàn nhưng họ hài lòng với những gì mình đang có. Vùng đất nghèo đơn sơ này là đặc trưng của một thành phố phát triển nóng, bỏ quên một “góc khuất” bên mình.