Căn nhà bà Lê Thị The nằm bên con đường nhỏ sát đường Trần Não (quận 2, TP.HCM), hàng ngày bà thường ngồi lật giở từng trang hồ sơ, nhoẻn miệng cười hiền khi thấy người quen ghé đến.
Chiều tối 28 Tết, bà The vừa trở về từ chuyến đi gần 10 ngày ở Hà Nội cùng hơn 40 người khác. Dù vậy, vẫn còn hơn chục hộ dân quận 9 vẫn còn ở thủ đô. Nghe có vẻ xa xôi nhưng đã nhiều năm nay, Hà Nội là nơi đến quen thuộc của người dân Thủ Thiêm.
Bà Lê Thị The đang cùng bà con ở "làng Thủ Thiêm" ở Hà Nội những ngày cận Tết. Ảnh: Hoàng Việt. |
Từng có ý định ở lại đón Tết dưới cái rét cuối Đông của Hà Nội nhưng cuộc gặp gần nhất ở Văn phòng tiếp Công dân Trung ương cho bà con chút niềm tin để quay trở về, chờ đợi cái hẹn tháng 2 sẽ có thông tin đến người dân Thủ Thiêm.
Trong khi đó, chỉ cách Thủ Thiêm vài trăm mét là trung tâm thành phố. Đường phố Sài Gòn trước Tết Kỷ Hợi tấp nập người người đi mua sắm. Những tuyến đường trung tâm Sài Gòn kẹt cứng, đông đúc.
Ngổn ngang
Nhà anh Lợi chưa có không khí Tết. Ảnh: Hoàng Việt. |
27 Tết, vợ chồng anh chị Nguyễn Đình Lợi - Nguyễn Thị Oanh, phường An Lợi Đông, khép cửa, ra sau nhà gom rác để đốt. Những chiếc túi nylon, cành lá cây khô được anh chị gom gọn lại rồi châm lửa. Thi thoảng chị Oanh lại nhắc chồng cẩn thận kẻo lửa lại cháy lan.
Thời khắc này vào nhiều năm trước, chị bắt đầu gói bánh chưng để cúng ông bà, biếu hàng xóm. Nhưng năm nay, cận Tết mà mọi thứ vẫn ngổn ngang nên anh chị quyết định không gói bánh.
Những ngày này, anh chị vẫn chạy xe ngang qua khu Sala, cũng như ngày thường, chưa bao giờ họ bước chân vào những hàng quán đó để ăn uống hay mua sắm.
Gia tài lớn nhất mà anh chị có được từ ngày dọn về khu tạm cư này là đàn gà. Hàng ngày, chúng đẻ trứng, ăn không hết anh chị đem bán. Những ngày giáp Tết cũng vậy, đôi vợ chồng đem bán trứng, bán gà.
Căn nhà khoảng 25 m2 với 2 phòng ngủ nhỏ, trần nhà thấp nên thiếu ánh sáng. Bên trong có chiếc tivi nhỏ đặt trên chiếc bàn cạnh cửa sổ. Kế bên là gian bếp với lỉnh kỉnh đồ đạc. Một chiếc tủ lạnh để cạnh phòng tắm. Đó là không gian sinh hoạt của gia đình gồm 2 vợ chồng và đứa con gái của anh Lợi. Vẫn chưa thấy không khí Tết.
Như bao nhiêu bà con khác, anh chị vẫn ngóng tin tức về việc giải quyết khiếu kiện ở Thủ Thiêm. Chị bảo năm nay có phần hy vọng hơn vì là năm đầu tiên vấn đề Thủ Thiêm được đưa ra ánh sáng, nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, lắng nghe tiếng nói của người dân. Anh chị mong sớm có phương án giải quyết cho người dân Thủ Thiêm ổn định cuộc sống. "Điều đó vui mừng hơn Tết”, chị Oanh nói.
Chị Oanh vẫn cặm cụi đốt rác, không quên bảo tôi ra Tết nếu có tin vui sẽ làm thịt gà ăn mừng.
Nhớ đất, nhớ nhà
Vợ chồng ông Hơn ngồi trước cây mai đào "giả" trước cửa nhà. Ảnh: Hoàng Việt. |
Cách nhà anh Lợi không xa là gia đình ông Nguyễn Văn Hơn, phường An Lợi Đông. “Ổng đi đánh cá rồi tranh thủ nhậu luôn. Lát về là xỉn cho coi”, bà Nhung, vợ ông Hơn nói bằng giọng miền Tây rặt.
Cạnh đó, cô con gái đứng phụ mẹ gắn hoa đào giả lên cành cây khô cắm vào cái chậu được đứa con trai mang về. Còn anh Tuấn, con trai lớn của ông Hợi ở trần, mặc chiếc quần đùi vàng đi ra đi vào trước cửa.
Chiều 27 Tết, khu tạm cư An Lợi Đông vẫn nhếch nhác, tối tăm, buồn bã.
Cách đây một tuần, bà Nhung kể có một đoàn tới ghi hình chương trình cho Tết. Thế là mọi người túm tụm lại xem. Ê kíp chương trình đó tổ chức thi gói bánh chưng tưng bừng. Khi rời đi, họ để lại cho mấy hộ nghèo 10 chiếc bánh. Thế là vợ ông Hơn đem nấu lên rồi chia cho mấy nhà xung quanh.
“Nhà tui có gói bánh gì đâu, tiền đâu mà bánh với trái”, người phụ nữ 53 tuổi nói với giọng như hờn dỗi. “Mẹ chán chớ không có tiền gì”, đứa con trai cười xuề, quay sang nói với tôi như giải thích cho thái độ của mẹ mình.
Từ năm 2006 đến nay, 13 năm gia đình ông Hơn, bà Nhung không có Tết. Ký ức đeo bám gia đình này suốt chừng ấy năm, nhắc nhở họ không bao giờ được quên việc 650 m2 đất được đền bù 200.000 đồng/m2, nhưng đến nay được rao bán với giá hơn 100 triệu đồng/m2.
Gia đình bà Nhung rời đi, không hề nhận được một đồng nào. Mảnh đất của gia đình bà giờ đã có chủ mới, biệt thự xây lên to bự có chốt canh gác bên ngoài. Những ngày cận Tết năm nay cũng như những năm trước, nó nhắc bà nhớ nhà, nhớ đất. Vậy là cậu con lại len lén chở bà quay về chốn cũ, đứng từ xa nhìn vào nền nhà xưa.
Không đi đâu cũng không mua sắm, họ cứ đi ra đi vào, quanh quẩn ở căn nhà tạm bợ. Hễ ai hỏi thăm về Tết là cứ như bắt họ phải vui vẻ trong những ngày này. Mà niềm vui thì quá xa xỉ với bà con Thủ Thiêm.
“Chừng nào còn sống cảnh tạm bợ này thì Tết hay không Tết có ý nghĩa gì đâu. Tết cũng phải đi đánh cá mà ăn thôi”, bà Nhung nói, giọng bất cần.
Chờ tin về Thủ Thiêm
Tết với vợ chồng ông Lực, bà Giáp là ngày đi viếng mộ đứa con trai. Ảnh: Hoàng Việt. |
Ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ của vợ chồng ông Lực (91 tuổi), bà Giáp (83 tuổi), phường Bình An, nằm lọt giữa bốn bề cỏ um tùm, mặt trước và xung quanh là những đống gạch vỡ vụn của những căn nhà bị đập bỏ, im ắng, không một bóng người. Đây là chốn mà 2 vợ chồng già có 70 năm tuổi Đảng cố bám trụ lại sau 3 lần nhận lệnh cưỡng chế với giá 0 đồng và cũng là hộ mà Bí thư Nguyễn Thiện Nhân từng có lần nhắc đến trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 20/6.
Lần nào ghé đến đây tôi cũng có cảm giác buồn man mác. Lên tiếng gọi, bà Giáp mất gần 10 phút mới ra mở cửa. “Bà đang quét dọn trên gác, ngày nào cũng quét”, bà vừa nói vừa mở khóa cánh cổng sắt bám đầy rêu.
Trước cửa, con chim sáo được nuôi trong chiếc lồng lên tiếng khi có khách đến. Trên chiếc giường đã cũ, ông Lực nằm chống tay, ngoái đầu nhìn khi thấy khách đến. Người đàn ông này bị liệt do di chứng của lần tai biến mấy chục năm trước nên mọi sinh hoạt, di chuyển phải nhờ sự hỗ trợ của vợ.
Ở chiếc bàn “bách hoá” với đủ thứ đồ lặt vặt, có một túi quà và một thùng mì tôm vừa được ai đó đặt lên. “Bên Thành uỷ họ cho quà, bà mới đi nhận lúc sáng”, bà giải thích khi nhận ra ánh mắt của tôi hướng về chiếc bàn.
Không hề có tiệc tất niên, không hề có trang hoàng nhà cửa, Tết của cặp vợ chồng già là chuyến đi lên Bình Dương để viếng mộ con trai vào chiều 25 tháng Chạp. Đứa con của bà mất từ năm 1988 do tai nạn điện. Tấm hình cậu bé bụ bẫm chụp lúc nhỏ được ông bà in ra, treo cạnh tấm ảnh của mình.
“Đến Tết thì mua đồ về làm mâm cúng cho nó (đứa con trai - PV) rồi mình ăn luôn. Không cúng cho con thì coi như cũng không ăn Tết gì cả”, bà Giáp nói.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, vợ chồng ông Lực không mong Tết, không sửa soạn đón xuân. Với họ, Tết chỉ đến khi câu chuyện dài 20 năm ở Thủ Thiêm sớm khép lại, ai sai thì chịu trách nhiệm, dân oan thì được đền bù.
"Đợt trước tiếp xúc cử tri liên tục, Bí thư Nhân cũng xuống gặp vợ chồng ông bà hỏi han. Mà sao đợt này lại yên ắng rồi", người đàn bà 83 tuổi thở dài.
Hy vọng
Ông Hải bên 2 chú chó gắn bó với ông mấy năm nay. Ảnh: Hoàng Việt. |
Căn nhà của đại tá quân đội Hồng Minh Hải (69 tuổi) nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Não (phường Bình An, quận 2, TP.HCM). Phải băng qua hết quán ăn, khách sạn, mới đến con đường nằm sâu phía sau hàng rào của nhà hàng.
Đầu quấn chiếc khăn rằn, quần xắn cao, ông Hải quanh quẩn với 3 chú chó. Nhà hiếm khi có khách, hễ thấy người đến là chúng lại sủa lớn, làm dữ.
Người lính đặc công thẳng thắn và hiểu chuyện này từng sẵn sàng chấp nhận rời đi, để đất cho chính quyền xây bệnh viện, trường học phục vụ người dân. Nhưng sau đó, khi biết mục đích lấy đất của ông để phân lô bán nền, ông Hải nhất quyết bám trụ, giữ nhà.
Bên hông nhà có trải miếng bạt để phơi vỏ cam, vỏ bưởi làm thuốc. Vợ của người cựu lính đặc công lúi húi trong bếp làm thức ăn chay để ngày sau cúng. Bà hầu như chỉ ở sau nhà, rất hiếm khi khách đến nhà mà được trò chuyện.
Nhà ông Hải không gói bánh, chỉ có đơn vị cũ của ông nấu rồi cho lại. Trước đó một ngày, ông lên liên hoan cùng đồng đội rồi mang bánh về.
Ông không nói về Tết, không đề cập đến mùa sum vầy, chỉ say sưa kể những câu chuyện về một thời oanh liệt. Ông không quên cuộc gặp gần đây với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, vị lãnh đạo mang đến cho ông niềm tin rằng Thủ Thiêm rồi sẽ trở về những tháng ngày bình yên.
"Dạo trước thấy lãnh đạo gặp dân liên tục, Bí thư Nhân cũng ghé xuống đây hỏi thăm tui. Mà sao đợt này lại im rồi không biết", người lính đặc công thở dài, tay rót chén rượu mời khách.
Khi viết xong những dòng này, tờ lịch treo tường điểm ngày 29 Tết. Giờ phút này, lòng người rộn ràng với không khí sum vầy bên gia đình, người thân. Nhà nhà quây quần bên mâm cơm cuối năm, trang hoàng bàn thờ tổ tiên ông bà vì biết rằng mỗi năm chỉ có một dịp.
Nhưng ở Thủ Thiêm, Tết chưa thật sự đến.
Bà Hường, một trong 4 hộ còn trụ lại ở khu tạm cư An Lợi Đông. Ảnh: Hoàng Việt. |