Tết năm nay, nữ đại gia nỗi tiếng miền Trung rơi vào bi đát khi bị ngân hàng rao bán tài sản để siết nợ.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Tài vừa đăng thông báo bán nợ với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng gồm hơn 1,2 nghìn tỷ nợ gốc và hơn 1 nghìn tỷ nợ lãi. Thời gian đấu giá đến ngày 2/3.
Theo đó, BIDV Phú Tài rao bán khoản nợ ngàn tỷ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tài sản đảm bảo gồm 3 khu đất (với tổng diện tích 22ha tại TP.HCM) và 5,2 triệu cổ phiếu GTT của CTCP Thuận Thảo.
Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo, thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản sau thành công vang dội trong lĩnh vực vận tải hành khách.
Đại gia Phú Yên lún sâu vào nợ nần, thua lỗ. |
CTCP Thuận Thảo của bà Võ Thị Thanh là một doanh nghiệp từng niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) nhưng bị hủy niêm yết bắt buộc trong năm 2016 do thua lỗ kéo dài và phải xuống đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM.
Hiện cổ phiếu GTT có giá chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu. Số lượng 5,2 triệu cổ phần GTT thế chấp tại ngân hàng giờ chỉ có giá khoảng 3 tỷ đồng. Tài sản có giá trị lớn đảm bảo cho khoản vay chính là 3 khu đất tại TP.HCM.
Cụ thể, trụ sở chính của Thuận Thảo Nam Sài Gòn rộng 275 m2 tại 100B, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM, cùng 2 khu đất ở Bình Chánh có tổng diện tích lên tới 22 ha nằm tại Khu phố 2 (16,6 ha) và khu phố 4 (5,4 ha) thuộc thị trấn Tần Túc, huyện Bình Chánh.
Doanh nghiệp của nữ doanh nhân Phú Yên Võ Thị Thanh nổi tiếng với thương hiệu Thuận Thảo. Tuy nhiên, cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến doanh nghiệp của nữ doanh nhân này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.
Thảm kịch của nữ đại gia lên tới đỉnh điểm hồi đầu năm 2017 khi một doanh nghiệp có quy mô nghìn tỷ GTT liên tục xin Cục thuế từng hóa đơn xuất hàng cho khách lẻ, với doanh thu một vài chục triệu đồng.
Trên trang web của doanh nghiệp đình đám một thời giờ không cập nhập thông tin hoạt động chính, thay vào đó chỉ còn lời chào mời bán tour chương trình du lịch thăm quan Phú Yên với giá vài trăm nghìn đồng/người.
Cổ phiếu của doanh nghiệp xuống 300-500 đồng, bằng 1/10 giá một cốc trà đá và thường xuyên không có giao dịch trên TTCK. Doanh nghiệp đã từng có vốn chủ sở hữu đạt 450 tỷ đồng, nhưng tới cuối 2016 âm hơn 420 tỷ đồng, không còn vốn lưu động để sản xuất, trong khi chi phí lãi vay và chi phí phạt chậm nộp thuế phát sinh không ngừng.
Hồi cuối tháng 2/2017, Cục thuế tỉnh Phú Yên đã hủy bỏ giá trị sử dụng toàn bộ hóa đơn, bao gồm cả tem, vé và thẻ của Thuận Thảo do nợ thuế hàng trăm tỷ đồng mà không thanh toán được. Trước đó, giữa 2016, doanh nghiệp đã bị hủy niêm yết toàn bộ 43,5 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM do âm vốn chủ sở hữu và sau đó chuyển sang thị trường UPCOM.
Đây thực sự là thảm kịch đối với CTCP Thuận Thảo (GTT) - một thương hiệu lớn đầu tiên tại Phú Yên và thuộc hạng có tiếng tăm trên cả nước. Doanh nghiệp này từng sở hữu khách sạn 5 sao đầu tiên, siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên và bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam, khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà hát...
Thảm kịch thua lỗ nặng nề, của doanh nghiệp của nữ chủ tịch Võ Thị Thanh bắt nguồn từ 5-7 năm qua khi mà Thuận Thảo liên tục mở rộng đầu tư, phát triển như vũ bão với hàng loạt các dự án BĐS du lịch như: Khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai,... trong bối cảnh du lịch Tuy Hòa (Phú Yên) vẫn chưa thực sự phát triển và thị trường BĐS bước vào thời kỳ khủng hoảng.
Một điểm bất thường trong báo cáo tài chính của Thuận Thảo là khoản đầu tư tài chính 400 tỷ đồng vào CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn - một công ty cũng do bà Võ Thị Thanh làm chủ tịch HĐQT.
Đây là khoản phát sinh từ 3/2013 theo hợp đồng cho vay với thời hạn vay là 12 tháng, nợ gốc vay và lãi vay được đảm bảo bằng quyền chuyển đổi thành vốn góp của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn.
Trong báo cáo tài chính năm 2013, khoản phải thu của khách hàng bất ngờ tụt giảm xuống chỉ còn 14 tỷ đồng, so với con số 412 tỷ đồng cuối năm 2012, tức chênh nhau gần 400 tỷ đồng. Điều này khiến cho nhiều người đặt dấu hỏi về đường đi của nguồn tiền này.
Từ năm 2013, giữa bà Võ Thị Thanh, Thuận Thảo và Thuận Thảo Nam Sài Gòn đã có nhiều quan hệ vay mượn xóa nợ. Cho đến cuối 2016, Thuận Thảo Nam Sài Gòn vẫn chưa thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay lên đến hơn 450 tỷ đồng cho GTT. Thuận Thảo gần đây thừa nhận có nguy cơ mất khả năng thu hồi khoản cho vay này.
Trên TTCK, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đi lên từ doanh nghiệp gia đình. Có nhiều doanh nghiệp thành công, nhưng nhiều trong số đó gặp khó khăn như trường hợp Gỗ Trường Thành, Quốc Cường Gia Lai...
Những doanh nghiệp làm ăn tốt vẫn tiếp tục phát triển và có cổ phiếu tăng giá lên mức cao lịch sử như trường hợp PNJ, MWG, VIC… trong khi nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục đi xuống trong bối cảnh TTCK tiếp tục sôi động.
Trong phiên giao dịch 21/2, cổ phiếu PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung tăng thêm 5.500 đồng (3,4%) lên 165.000 đồng, mức giá cao lịch sử của cổ phiếu này. Tính từ đầu năm, PNJ hiện đã tăng 20% và là một trong những cổ phiếu bluechips ấn tượng nhất thị trường.
VIC của Vingroup cũng tăng thêm 4,5% lên 90.000 đồng/cp, giúp vốn hóa đạt 10,5 tỷ USD.
Các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản tiếp tục dậy sóng. Đây là một lực đỡ lớn cho thị trường. Dòng tiền nội và ngoại tiếp tục dồn dập đổ vào thị trường. Chỉ số VN-Index được dự báo sẽ phá đỉnh lịch sử ngay trong quý 1/2018.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 21/2, VN-index đã tăng 27,42 điểm lên 1.087,15 điểm; HNX-Index tăng 1,54 điểm lên 125,85 điểm. Upcom-Index tăng 0,88 điểm lên 59,37 điểm. Thanh khoản đạt gần 235 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 6,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 nghìn tỷ đồng hồi tháng 6-7/2017.