Mới đây, người mẫu nổi tiếng Lưu Văn (Liu Wen) của Trung Quốc đã khiến dư luận nước này giận dữ vì chúc Tết bằng câu "Happy Lunar New Year" trên mạng xã hội. Những người chỉ trích "thiên thần" của Victoria's Secret cho rằng lẽ ra cô nên nói "Happy Chinese New Year". Siêu mẫu sau đó đã sửa lại chú thích cho bức ảnh của mình.
PGS.TS Nguyễn Phương Mai trong một buổi trò chuyện tại Hà Nội vào tháng 1/2018. Ảnh: NVCC. |
Vụ việc lại làm dấy lên cuộc tranh luận về việc Tết âm lịch tại một số nước châu Á nên được dịch sang tiếng Anh như thế nào cho phù hợp. Đây không đơn thuần là vấn đề chuyển ngữ mà còn là câu chuyện về tâm lý "thực dân văn hóa" và tìm kiếm quyền lực thông qua con đường văn hóa.
Zing.vn có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Phương Mai, chuyên gia về quản trị đa văn hóa tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị cho rằng cụm từ "Chinese New Year" hoàn toàn không có trong từ điển văn hóa của người Trung Quốc và việc một số người dân nước này khăng khăng giữ cách dịch trên cho thấy biểu hiện của tâm lý "thực dân văn hóa".
Chủ nghĩa dân tộc bị đẩy về phía cực đoan
- Việc người mẫu Lưu Văn bị chỉ trích tại Trung Quốc phải chăng là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng mạnh mẽ hay là sản phẩm của một chính sách tuyên truyền nào đó ở nước này?
- Nhận định đây là chính sách tuyên truyền của Trung Quốc có thể hơi thiếu chứng cứ, dù nhà cầm quyền của quốc gia này rõ ràng đang đẩy mạnh quyền lực mềm bằng nhiều chính sách khác nhau.
Theo tôi, đây đơn thuần là một trường hợp điển hình của chủ nghĩa dân tộc đang bị đẩy về phía cực đoan. Những người phản ứng Lưu Văn hiểu rằng cụm từ "Chinese New Year" hoàn toàn không có trong từ điển nền văn hóa của họ. Người Trung Quốc từ xa xưa nói về Tết Nguyên đán luôn dùng từ "chunjie" (春节), tạm dịch là "tiết mùa xuân" hay "lễ hội mùa xuân" (tiếng Anh thường dịch thành "spring festival" - PV).
Việc họ khăng khăng cho rằng "lễ hội mùa xuân" phải được dịch ra tiếng Anh là "Chinese New Year" chứng tỏ tư thế tâm lý thực dân văn hóa. Điều này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn minh Trung Hoa bao trùm và chi phối các nền văn minh lân cận.
Điều này đúng một phần, nhưng không có nghĩa là văn hóa Trung Hoa sau khi vượt qua biên giới vẫn giữ nguyên hình hài và hàng nghìn đời qua không bị đổi thay bởi người tiếp nhận. Bản chất của văn hóa là di chuyển và biến đổi không ngừng. Văn minh Trung Hoa liên tục được nhào nặn, trộn lẫn và chuyển đổi sang các hình thái cũng như ý nghĩa khác nhau.
Việc đòi hỏi một nét văn hóa từ thời cổ xưa xuất phát từ Trung Hoa, dù đã thiên biến vạn hóa, phải được dịch sang tiếng Anh với ngôn ngữ chứng tỏ sự sở hữu và quyền tác giả của văn hóa Trung Hoa là điều hết sức vô lý. Nếu ta làm điều đó với các lễ nghi văn hóa khác trên toàn thế giới thì thật là một thảm họa ngôn ngữ và là một sự xúc phạm văn hóa với hầu hết cộng đồng đang tồn tại. Đơn giản vì không có một nét văn hóa nào của loài người hiện nay là nguyên bản không hề đổi thay.
Người đi chơi Tết tại Dự Viên ở Thượng Hải hôm 17/2. Ảnh: Getty. |
- Tại sao không ít người phương Tây vẫn gọi năm mới âm lịch là "Chinese New Year"? Điều này có cho thấy điều gì về nỗ lực tăng cường sức mạnh mềm của Bắc Kinh qua con đường văn hóa hay không?
- Cụm từ "Chinese New Year", hay một số người vẫn gọi nôm na là "Tết Tàu", xuất phát từ thời kỳ những người Trung Quốc di cư sang các quốc gia khác, tổ chức lễ hội đón xuân theo lịch âm, chính xác là lịch âm - dương kết hợp. Là một trong những cộng đồng lớn, lễ hội của họ thu hút sự chú ý của dân bản địa. Để phân biệt với năm mới theo lịch dương, người bản địa gọi năm mới do dân nhập cư Trung Quốc tổ chức là "Chinese New Year".
Người phương Tây khi đó, và thậm chí cả bây giờ, thường rất hạn hẹp về văn hóa châu Á. Thấy ai mặt mũi châu Á họ cũng đều coi là người Trung Quốc. Có lần tôi bực mình đính chính thì họ buông một câu "Same", có nghĩa dù bạn là người Hàn, Nhật, hay Việt, Singapore... thì với họ, bạn cũng là người Trung Quốc tuốt.
Như vậy "Chinese New Year" là một từ mới, và nó được dùng với ý nghĩa phân biệt với "Tết dương". Tuy nhiên, sau này khi xã hội đa chủng tộc lớn mạnh ở các nước phương Tây thì người Trung Quốc hiểu rằng việc độc quyền sử dụng "Tết âm" với nhãn hiệu Trung Hoa và hất cẳng các cộng đồng châu Á khác ra khỏi khung cảnh ngôn ngữ của ngày Tết âm là một vũ khí văn hóa cực kỳ hiệu quả.
Quyền lực mềm là điều tối quan trọng trong một xã hội đa chủng tộc. Mỗi khi Tết đến, rợp trời chỉ có các chiến dịch quảng cáo nhắm đến khách hàng gốc Hoa; các cơ quan tổ chức các hoạt động tìm hiểu về văn hóa Trung Hoa; các công ty xúc tiến thương mại với khách hàng Trung Quốc; các trường học liên hoan và vinh danh học sinh gốc Hoa, v.v... Những hoạt động văn hóa đó nâng vị thế của cộng đồng Trung Quốc và lu mờ sự tồn tại của các cộng đồng khác.
Không thể trao bản quyền "Tết âm" cho người Trung Quốc
- Quan điểm của chị khi một số ý kiến, cả ở trong nước lẫn quốc tế, nói Tết Nguyên đán tại Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc?
- Nói Tết của Việt Nam xuất phát từ Trung Quốc không hoàn toàn đúng. Chúng ta vốn là dân trồng lúa nước, hàng năm tổ chức đón xuân vào tháng 11. Một giả thuyết cho rằng sau này khi ta bị đô hộ và ảnh hưởng thì có thể chuyển sang ăn Tết muộn hơn. Nói chung, lịch âm - dương không hẳn do người Trung Quốc một tay sáng tạo ra mà cũng là sự kế thừa từ nhiều nền văn hóa khác. Tuy nhiên, cách tính lịch của họ lại có ảnh hưởng mạnh đến rất nhiều cộng đồng châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Vậy điều đó có đủ để chúng ta trao bản quyền "Tết âm" cho người Trung Quốc không? Đương nhiên là không. Thời khắc xuân đến không phải là của nả văn hóa của riêng dân tộc nào.
Tương tự, lịch dương hiện nay do người La Mã kế thừa. Cách tính lịch của họ ảnh hưởng đến cả thế giới này. Tuy nhiên, không một dân tộc nào vào ngày 1/1 nâng ly chúc nhau một "năm mới La Mã vui vẻ" cả. Thời khắc năm mới có thể do một nền văn hóa mạnh mẽ quyết định ở một thời điểm nào đó trong lịch sử. Song phong tục, ý nghĩa, cảm xúc, ngôn ngữ, v.v... thì lại là những nét văn hóa biến đổi và dịch chuyển không ngừng.
(Ảnh từ trái qua, trên xuống) Phong tục đón năm mới âm lịch tại một số nước châu Á: Trung Quốc (gọi là Chunjie), Hàn Quốc (Seollal), Mông Cổ (Tsagaan Sar) và Việt Nam (Tết Nguyên đán). Nhật Bản cũng có ngày tết cổ truyền (gọi là Shougatsu) với ý nghĩa chào đón mùa xuân nhưng được tổ chức theo dương lịch. Ảnh: Getty, Zing.vn. |
- Chị thường phản ứng ra sao khi bản thân chị được chúc Tết với câu "Happy Chinese New Year"?
- Ngày xưa tôi và các đồng nghiệp, bạn bè thường bực mình và sau đó cho qua. Sự bực mình đó dù vậy không tự dưng mất đi. Tôi từng chứng kiến vài đồng nghiệp người Hàn lặng lẽ hủy hợp đồng với đối tác.
Sau này, tôi chọn cho mình một cách tiếp cận tích cực hơn. Tôi kiên nhẫn giải thích với các nhà hàng, công ty và cơ quan chức năng của thành phố. Hầu hết họ đều xin lỗi và sửa sai. Chúng ta có thể thấy từ "Lunar New Year" ngày càng được dùng nhiều hơn vì nó mang đúng tinh thần trung lập, bao trùm toàn bộ các nền văn hóa "ăn Tết âm" và không gây phản cảm.
- Quan điểm của chị về việc ăn Tết âm theo lịch dương như một số ý kiến đề xuất tại Việt Nam những năm qua? Và từ cuộc tranh luận này, chị nghĩ gì về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc?
- Tôi vốn không phải là một người quá gắn bó với Tết âm hay Tết dương, nên với tôi thú thực là thế nào cũng được. Gộp vào Tết dương thì tiện cho những người sống ở nước ngoài hơn mà thôi.
Tôi nghĩ việc thay đổi là rất khó khăn, vì đó là thói quen rồi. Tuy nhiên, nếu tương lai có gộp thì tôi không cho rằng chúng ta sẽ mất bản sắc văn hóa. Ví dụ là người Nhật cũng làm như vậy nhưng cái chất Tết cổ truyền của họ không hề phai nhạt.
PSG.TS Nguyễn Phương Mai (sinh tại Hà Nội) hiện giảng dạy về quản trị đa văn hóa và Trung Đông học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị là tác giả của hai cuốn sách "Tôi là một con lừa" và "Con đường Hồi giáo", ghi lại những trải nghiệm văn hóa của bản thân ở nhiều vùng đất trên thế giới.
Trước dịp Tết năm nay, chị từng kêu gọi "đừng cướp 'Tết' của chúng tôi", đưa Tết âm "trở về nguyên bản sắc là một lễ hội chung vui của người châu Á", thay vì "biến nó trở thành của nả văn hóa" của riêng người Trung Quốc. Chị lưu ý mọi người sử dụng tên gọi phù hợp với từng nước cũng như cách nói bao trùm là "Lunar New Year".