Rước Thần Tài, người Trung Quốc 'quét mã' nhận lì xì online
Thứ tư, 21/2/2018 16:15 (GMT+7)
16:15 21/2/2018
Nhờ công nghệ thanh toán hiện đại, người dân Trung Quốc nhận lì xì bằng cách dùng điện thoại quét mã QR ngay trên người "Thần Tài", thay vì tranh "hồng bao" như mọi năm.
Theo tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, mùng 5 tháng Giêng âm lịch là ngày "vía Thần Tài" (tức sinh nhật của vị thần). Năm nay, các hoạt động nghênh rước Thần Tài được tổ chức trong cả hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết (19-20/2) ở nhiều địa phương trên khắp nước này. Trong ảnh, "Thần Tài" ban "phúc" cho người dân ở Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Ảnh: China News.
Người dân Trung Quốc năm nay có thể nhận được "hồng bao" (lì xì) bằng cách quét mã QR trên người đóng vai Thần Tài. Trong ảnh là một hoạt động được tổ chức tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: China News.
Có lúc "Thần Tài" được nhấc bổng lên đồng thời bị giật cả mũ, râu để người dân có thể quét được mã QR. China News bình luận cảnh tượng vui vẻ như binh sĩ thắng trận trở về "buông mũ bỏ giáp". Ảnh: China News.
Vài năm trở lại đây, nhờ sự phát triển của công nghệ, người dân Trung Quốc dần chuyển sang lì xì online nhờ các ứng dụng trên di động thay vì trao tiền mặt. Công nghệ này cho phép người dùng lì xì những số tiền lẻ mang ý nghĩa phù hợp với người nhận, chẳng hạn số tiền 8,88 nhân dân tệ tượng trưng cho lời chúc "phát tài phát lộc không ngừng". Ảnh: China News.
Những người buôn bán đặc biệt coi trọng ngày này vì Thần Tài được xem là vị thần cai quản việc làm ăn, nguồn tiền của gia chủ. Trong ảnh, một chủ cửa hàng tại Chiết Giang sờ vào thỏi vàng của "Thần Tài" để cầu may. Ảnh: China News.
Tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, hàng trăm nghìn người dân kéo về chùa Quy Nguyên ở để cúng bái Thần Tài, tạo nên cảnh tượng khói hương nghi ngút quen thuộc vào mùng 5 Tết hàng năm. Ảnh: Getty.
Dòng người đổ về chùa Quy Nguyên hôm 20/2 phải xếp hàng nhiều giờ mới có thể vào bên trong. Hoạt động cúng bái Thần Tài ở ngôi chùa diễn ra từ sáng sớm đến tối mịt. Năm ngoái, khoảng 600.000 người đã đến đây trong ngày này.
Ảnh: Getty.
Theo CCTV, trong ngày "vía Thần Tài", người dân Trung Quốc dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và đốt pháo để xua đi những gì tồi tàn, nghênh đón vị thần. Sau đó, người dân đến những nơi rước Thần Tài để đốt nhang, cúng bái, cầu bình an, công việc thuận lợi.
Ảnh: Getty.
Trong ngày "vía Thần Tài", người Trung Quốc cũng kiêng đến nhà nhau vì sợ mang đến điều xui rủi cho gia chủ. Nhiều người kinh doanh cũng chọn khai trương, bán mở hàng vào dịp này. Ảnh: Getty.
Những vùng miền tại Trung Quốc cũng có những tập tục khác nhau vào ngày này. Người miền Bắc ăn sủi cảo còn người miền Nam ăn đậu phụ, hy vọng năm mới gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Ảnh: Getty.
5 "vị thần" Phúc, Lộc, Thọ, Hỉ, Tài phát hồng bao tại một trung tâm thương mại ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Người dân tin rằng số tiền này có thể đem lại cho họ may mắn cả năm. Ảnh: China News.
Một phụ nữ nước ngoài hóa trang thành Thần Tài trao lì xì cho người dân ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: China News.
Tín ngưỡng Thần Tài không phải đơn nhất. Trải qua thời gian, người Trung Quốc thờ ba vị Thần Tài khác nhau là Thần Tài Bạch Tinh Quân, Thần Tài Âm Phủ và Thần Tài Lưu Hải. Ảnh: Xinhua.
Tại Việt Nam, tín ngưỡng Thần Tài gắn liền với Thổ Địa. Ngày vía Thần Tài là mùng 10 âm lịch hàng tháng. Ảnh: Xinhua.
Tại Tử Cấm Thành, những nhân viên an ninh không có khái niệm nghỉ Tết âm lịch. Trong số họ, có những người gắn bó với nơi ở của các hoàng đế đã nhiều thập kỷ.
Công trình tạc vào vách đá nằm đối diện núi Nga Mi, từng là tượng Phật lớn nhất thế giới, thu hút rất đông du khách tham quan mỗi dịp lễ tết tại Trung Quốc.
Vào dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, khi những người nhập cư rời thành phố để trở về quê ăn Tết, các siêu đô thị tại đất nước này trải qua những ngày vắng vẻ như "thành phố ma".