Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tên lửa tinh vi của Triều Tiên nhắm vào 'vết nứt' Mỹ, Nhật, Hàn

Giới phân tích cho rằng các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên nhằm khoét sâu vào những bất đồng giữa Mỹ, Nhật, Hàn, chia rẽ liên minh và tạo lợi thế cho Bình Nhưỡng.

Quan hệ giữa bộ ba liên minh Mỹ, Nhật, Hàn đang có những dấu hiệu rạn nứt và dường như Bình Nhưỡng đang tận dụng điều này để khoét sâu vào sự bất đồng giữa họ, The Guardian cho biết. Chỉ trong vòng 8 ngày, Triều Tiên đã tiến hành tới 3 vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Vụ phóng mới nhất diễn ra vào khoảng 3h, ngày 2/8, từ bờ biển phía đông Triều Tiên. Loại vũ khí mà Bình Nhưỡng thử nghiệm khá tinh vi và có khả năng né tránh hệ thống phòng thủ của Mỹ và Hàn Quốc.

Yoichi Shimada, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Fukui, Nhật Bản, cho biết có lẽ Triều Tiên muốn cố gắng đẩy Mỹ trở lại bàn đàm phán, với một số đề nghị giảm biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Tuy vậy, ông Shimada cho rằng Tổng thống Donald Trump sẽ không dễ dàng loại bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, bất chấp những lời lẽ thân thiện mà người đứng đầu Nhà Trắng dành cho nhà đạo Kim Jong Un.

Trieu Tien thu ten lua anh 1
Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo có thể cơ động né tránh phòng thủ. Ảnh: KCNA.

Mỹ đang cố gắng thống nhất quan điểm của Hàn Quốc và Nhật Bản về một Triều Tiên khó lường và Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật, Hàn đã gặp nhau vào ngày 12/6 để thảo luận vấn đề, nhưng quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Seoul bắt đầu xấu đi từ đó.

Sáng 2/8, Nhật Bản tuyên bố sẽ đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác ưu đãi thương mại, một diễn biến leo thang mới trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước, bắt đầu bằng những mâu thuẫn lịch sử trong Thế chiến II. Tới chiều cùng ngày, Seoul cũng tuyên bố trả đũa tương đương.

Nhật Bản và Hàn Quốc có hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo, nhưng không rõ điều này ảnh hưởng thế nào bởi những căng thẳng gần đây.

Garren Mulloy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka, Nhật Bản, cho biết Tokyo và Seoul không thể hòa đồng, điều này đặt ra câu hỏi về năng lực của Mỹ trong việc kiểm soát Đông Bắc Á.

Ông Mulloy coi hành động của Triều Tiên là một nỗ lực nhằm khai thác những điểm yếu trong quan hệ Mỹ - Nhật. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang kỳ vọng sẽ gây thêm nhiều rắc rối và chứng minh rằng Bình Nhưỡng có trong tay công cụ để đáp trả.

Bên cạnh đó, chính Tổng thống Trump lại làm cho liên minh Mỹ - Nhật trở nên suy yếu, khi ông chỉ trích Tokyo và đề nghị Nhật Bản trả nhiều tiền hơn để hỗ trợ quân đội Mỹ đóng quân ở nước này. Điều đó vô tình càng khoét sâu vào căng thẳng giữa Seoul và Tokyo.

Tổng thống Trump tìm cách xoa dịu lo ngại khi viết trên Twitter rằng các tên lửa thử nghiệm chỉ là tầm ngắn. Tuy vậy, những tên lửa tầm ngắn này lại đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nhật Bản.

Giáo sư Mulloy nhận định chừng nào căng thẳng giữa Mỹ, Nhật, Hàn chưa được xoa dịu, Triều Tiên sẽ tiếp tục sử dụng chiến lược quấy rối để khoét sâu vào những bất đồng. “Bình Nhưỡng đang tìm cách mở ra cánh cửa từ vết nứt trong bộ ba liên minh Mỹ, Nhật, Hàn”, giáo sư Mulloy nói.

Triều Tiên thử tên lửa lần thứ ba trong chỉ hơn một tuần?

Lần thứ ba trong hơn một tuần, Triều Tiên tiếp tục bắn các vật thể bay tầm ngắn không xác định từ bờ biển phía đông nước này hướng ra biển Nhật Bản.

Triều Tiên thử tên lửa mới ‘ấn tượng và đáng sợ’ đẩy Mỹ vào thế khó

Các chuyên gia nói tên lửa mới nhất của Triều Tiên là mối đe dọa lớn vì có thể chỉnh hướng và né hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc. Tổng thống Trump đang ở thế khó.


Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm