Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tên lửa phòng thủ dội nước lạnh vào mối quan hệ Trung – Hàn

Việc triển khai tên lửa phòng thủ THAAD ở Hàn Quốc nhằm chống lại tên lửa đạn đạo Triều Tiên có thể đẩy quan hệ đang tốt đẹp giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trở về điểm xuất phát.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc là đồng minh lớn của Triều Tiên. Tuy nhiên, hai năm qua, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc – kẻ thù của Triều Tiên – đang ấm dần lên. Trung Quốc muốn lôi kéo Hàn Quốc ra khỏi mối quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ.

Sau khi trở thành chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Chuyến đi có ý nghĩa lớn lao trong bối cảnh ông Tập chưa một lần đặt chân tới Triều Tiên, nơi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang nắm quyền chèo lái đất nước. Đáp lại, Tổng thống Park đã tới Bắc Kinh dự cuộc diễu hành quân sự trên quảng trường Thiên An Môn trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít năm 2015. Bà Park là lãnh đạo duy nhất của một quốc gia đồng minh với Mỹ tham dự sự kiện này.

Tuy nhiên, mối quan hệ đang tốt đẹp giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vừa bị dội gáo nước lạnh khi Mỹ công bố kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc hôm 8/7. Chính phủ của bà Park chào đón kế hoạch của Mỹ và khẳng định mối quan hệ đồng minh Washington – Seoul đang ở vào thời điểm tốt đẹp nhất. Theo Seoul, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ giúp họ bớt phụ thuộc hơn vào Trung Quốc trong việc đảm bảo Triều Tiên không sử dụng vũ khí hạt nhân.

doi nuoc lanh vao moi quan he Trung – Han anh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hàn Quốc năm 2013. Ảnh: NY Times

Bên cạnh đó, việc tên lửa phòng thủ Mỹ được triển khai ở Hàn Quốc còn đặt ra thách thức lớn với Trung Quốc. Nó không chỉ vượt ra ngoài phạm vi lợi ích của Bắc Kinh trên bán đảo Triều Tiên mà còn có thể thổi bùng một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á, buộc Trung Quốc và Nga phải đầu tư phát triển vũ khí tinh vi hơn.

Theo các nhà phân tích, cái gọi là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) sẽ tiếp tục gây mất lòng tin trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama sắp chấm dứt nhiệm kỳ. Cùng với những quan điểm trái ngược về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và hàng loạt khó khăn mà doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc chắc chắn sẽ gia tăng bất đồng.

Các quan chức Trung Quốc nhiều lần khẳng định hệ thống tên lửa của Mỹ không nhằm vào mối de dọa từ Triều Tiên mà thực chất là kiềm tỏa Trung Quốc. Đáp trả, Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc phát triển loại tên lửa đạn đạo tiên tiến nhằm vô hiệu hóa tên lửa phòng thủ của Mỹ, Giáo sư Cheng Xiaohe của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định.

doi nuoc lanh vao moi quan he Trung – Han anh 2
Tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ tầm cao của Mỹ khai hỏa. Ảnh: US Army

Trong tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thống nhất quan điểm trong việc lên án hệ thống THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc và khẳng định nó tương đương hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis mà Mỹ triển khai ở các nước NATO. Đằng sau tuyên bố là sự ám chỉ Mỹ đang nỗ lực bao vây Trung Quốc theo cách mà họ sử dụng với nước Nga.

Trước chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh coi THAAD là chiến lược làm thay đổi cuộc chơi ở Đông Bắc Á. “Nó vượt quá nhu cầu quốc phòng trên bán đảo Triều Tiên và làm suy yếu lợi ích an ninh của Trung Quốc và Nga, phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực và thổi bùng một cuộc chạy đua vũ trang”, ông Vương cảnh báo.

Mỹ, Hàn quyết định triển khai THAAD, Trung Quốc nổi giận

Ngày 8/7, Washington và Seoul quyết định sẽ triển khai lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc để chống lại mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Vụ việc vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.

Hồng Duy (theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm