Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tên lửa hành trình và 'drone sát thủ' trong vụ tấn công vào Saudi

Nếu Iran thật sự đứng sau vụ không kích làm rúng động Trung Đông, Saudi Arabia cùng các đồng minh sẽ thêm nhiều lo ngại về sức mạnh của đối thủ.

Giới chức Saudi Arabia cho biết nước này đã thu thập được một tên lửa hành trình và nhiều mảnh vỡ của các máy bay không người lái trong vụ không kích hai nhà máy dầu Abqaiq và Khurais ngày 14/9.

Giới chuyên gia nhận thấy những vũ khí này có nhiều điểm tương đồng với vũ khí do Iran chế tạo. Tuy nhiên, các bên phải cần thêm nhiều thông tin hơn để có thể xác định mối liên hệ cụ thể giữa Iran và vụ tấn công làm rúng động Trung Đông, theo AP.

vu khi tung don chi mang vao nha may dau Saudi anh 1
Mảnh vỡ máy bay không người lái và tên lửa hành trình dùng trong vụ không kích nđược trưng bày tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Ảnh: AP.

Những drone thiết kế hình tam giác

Trả lời họp báo tại thủ đô Riyadh, người phát ngôn quân đội Saudi Arabia, đại tá Turki al-Malki, mô tả những máy bay không người lái có thiết kế gần như hình tam giác. Ông gọi chúng là "cánh tam giác".

Theo giới phân tích vũ khí, những máy bay không người lái này được gọi là "drone sát thủ". Chúng được điều khiển từ xa, bay đến địa điểm được lên kế hoạch rồi kích nổ trên không hoặc lao thẳng vào mục tiêu.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra khó xác định được mối liên hệ trực tiếp giữa Iran và số "drone sát thủ" dùng trong ngày 14/9. Nước này phát triển rất nhiều loại máy bay không người lái, nhưng không thiết lập kho dữ liệu công khai về vũ khí và kích thước để các chuyên gia đối chiếu.

Dấu vết của Iran được thể hiện rõ nhất trên tên lửa hành trình. Các nhà phân tích cho rằng tên lửa trong vụ không kích hai nhà máy dầu giống hệt Quds-1, loại tên lửa từng được phiến quân Houthis trình làng vào tháng 7.

Đại tá Turki al-Malki cho biết tên lửa hành trình trong vụ không kích có thể là một phiên bản của tên lửa "Ya Ali" do Iran chế tạo. Tên lửa nguyên bản được thiết kế để phóng từ máy bay chiến đấu và có cánh gập.

Theo nhà phân tích Sim Tack, làm việc tại hãng cố vấn tình báo Stratfor, mẫu tên lửa được trưng bày ở thủ đô Riyadh có cánh cố định theo kiểu của các tên lửa được phóng từ mặt đất. Do vậy, tên lửa được sử dụng trong vụ không kích có thể là phiên bản mới của "Ya Ali" dùng để phóng trên đất liền.

vu khi tung don chi mang vao nha may dau Saudi anh 2
Tên lửa hành trình Ya Ali (màu đỏ) do Iran phát triển. Ảnh: Fars News.

Tên lửa khó xuất phát từ Yemen

Chính quyền Iran phủ nhận liên quan đến vụ việc. Giới chức nước này cáo buộc Mỹ lừa dối cộng đồng quốc tế, đồng thời cảnh báo sẵn sàng đáp trả ngay lập tức nếu chiến dịch trả đũa của Mỹ và đồng minh nhắm đến Iran.

Tuy nhiên, các chuyên gia vũ khí thống nhất rằng mẫu tên lửa Quds-1, có kích thước nhỏ với động cơ tuabin TJ100, chỉ có tầm bắn hạn chế. Nó được dùng cho các mục tiêu ở khoảng cách 700 km. Điều này đồng nghĩa rằng tên lửa không thể được khai hỏa trên lãnh thổ Yemen vì điểm gần nhất cũng cách hai nhà máy dầu Abqaiq và Khurais gần 1.000 km.

Chính phủ Saudi Arabia ngày 18/9 tuyên bố vụ không kích cuối tuần qua, khiến nước này thiệt hại 5,7 triệu thùng dầu/ngày, "chắc chắn được bảo trợ bởi Iran". Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Iran chủ mưu cho đòn đánh chưa từng có tiền lệ nhắm vào nguồn cung năng lượng toàn cầu.

"Tên lửa không xuất phát từ Yemen", Michael Elleman, chuyên gia tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định. "Các báo cáo tình báo cũng thống nhất khẳng định tên lửa không được bắn từ Yemen, dù lực lượng tại đây tự nhận công lao về mình".

Việc tên lửa hành trình không bắn trúng mục tiêu rơi ở phía bắc hai nhà máy dầu Abqaiq và Khurais cho thấy tên lửa có khả năng được khai hỏa từ phía bắc. Yemen nằm ở phía nam Saudi Arabia, còn phía bắc nước này là vịnh Ba Tư với bờ biển đối diện là Iran.

vu khi tung don chi mang vao nha may dau Saudi anh 3
Vị trí hai nhà máy dầu bị không kích nằm ở phía bắc Saudi Arabia, cách biên giới Yemen gần 1.000 km. Đồ họa: New York Times.

"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Yemen không phải là nơi xuất phát của vụ không kích", Sim Tack nhận định.

Mức độ chính xác và quy mô thiệt hại trong vụ tấn công hai nhà máy dầu Abqaiq và Khurais cũng làm nhiều chuyên gia sửng sốt.

"Chúng đánh trúng những mục tiêu có giá trị lớn nhất và lách vào những lỗ hổng trong lưới phòng không của Saudi Arabia rất chuyên nghiệp", Fabian Hinz, chuyên gia phân tích tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí hạt nhân, California, nhận định.

Ngoài ra, các báo cáo tình báo cho thấy phiến quân Houthis không đủ khả năng tự chế tạo tên lửa. Trong khi đó, Iran từng bị phát hiện cung cấp tên lửa cho phiến quân Yemen. Việc quân đội Iran cũng sử dụng động cơ TJ100 cho tên lửa của mình đặt ra nghi vấn Iran đứng sau tên lửa Quds-1.

Trong nhiều năm qua, chính quyền Tehran luôn bác bỏ các cáo buộc hỗ trợ vũ khí cho phiến quân Houthis và can thiệp vào cuộc nội chiến tại Yemen. Trong khi đó, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, phương Tây và liên quân Saudi Arabia đã thu thập được nhiều bằng chứng trên chiến trường cho thấy dấu tích vũ khí do Iran chế tạo.

"Một nước nghèo và bị tàn phá kinh hoàng bởi chiến tranh như Yemen có thể tự phát triển tên lửa hành trình, không cần sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, là một giả thuyết rất khó tin", Fabian Hinz cho biết.

Saudi Arabia: 25 máy bay không người lái đã tấn công cơ sở dầu

Saudi Arabia tổ chức họp báo ở thủ đô Riyadh, trưng bày các mảnh vũ khí làm bằng chứng để khẳng định Iran là thủ phạm tấn công hai cơ sở dầu trọng yếu của vương quốc này.

Iran và Saudi bên bờ vực chiến tranh sau nhiều thập kỷ thù địch

Dù Saudi Arabia và Iran đã "chiến tranh lạnh" với các cuộc chiến ủy nhiệm ở Trung Đông vài năm qua, vụ không kích nhà máy dầu Saudi có thể dẫn đến một cuộc chiến trực diện.

Lê Thanh

Bạn có thể quan tâm