Falcon 9, tên lửa có chiều cao tương đương tòa nhà 23 tầng, bay lên từ trạm phóng vệ tinh của Không quân Mỹ trên mũi Canaveral, bang Florida lúc 1h21 sáng 6/5 theo giờ địa phương. Nó đưa một vệ tinh phát sóng truyền hình lên độ cao hơn 32.000 km, tức là cao hơn Trạm Không gian Quốc tế (cách mặt đất hơn 400 km). Vệ tinh thuộc quyền sở hữu của tập đoàn SKY Perfect JSAT tại Nhật Bản.
Khoảng 2 phút rưỡi sau khi rời bệ phóng, tầng thứ nhất của tên lửa tách ra và lao về phía một tàu không người lái trên Đại Tây Dương. Tầng thứ hai của tên lửa tiếp tục bay để đưa vệ tinh có khối lượng 4.700 kg vào quỹ đạo, Reuters đưa tin.
Tên lửa Falcon 9 bay lên từ bệ phóng hôm 6/5. Ảnh: ABC News |
“Woohoo! Có lẽ chúng tôi cần tăng kích thước nhà chứa tên lửa”, doanh nhân Elon Musk, người sáng lập SpaceX, viết trên mạng xã hội Twitter sau khi tên lửa đáp thành công xuống bệ nổi.
Đây là lần thứ hai tên lửa Falcon 9, sản phẩm của tập đoàn SpaceX, đáp thành công xuống bệ nổi trên biển.
SpaceX phóng tên lửa Falcon 9 lên quỹ đạo rồi trở về bệ nổi lần đầu tiên hồi tháng 4 sau khi thất bại trong 4 lần trước đó.
Trước khi phóng hôm 6/5, ban lãnh đạo SpaceX giảm mức độ kỳ vọng đối với khả năng tên lửa trở về thành công. Tên lửa bay với tốc độ lớn gấp đôi so với tên lửa mà SpaceX phóng hôm 8/4.
Vụ phóng hôm 6/5 là chuyến bay thứ tư trong số hơn một chục vụ phóng tên lửa mà SpaceX sẽ thực hiện trong năm nay. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng nhiều khách hàng khác đã ký hợp đồng vận chuyển thiết bị lên vũ trụ với SpaceX. Tổng trị giá các hợp đồng lên tới hơn 10 tỷ USD.
Tuần trước SpaceX giành được hợp đồng phóng vệ tinh quân sự Mỹ đầu tiên, phá vỡ thế độc quyền trong 10 năm của United Launch Alliance, một công ty liên doanh giữa tập đoàn Boeing và Lockheed Martin.