Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tể tướng Đại Việt, ông là ai?

Là một chế độ nắm quyền chấp chính đứng sau vua và đứng đầu hàng ngũ quan lại, thế nhưng, tên gọi ngôi vị này ở từng thời kỳ lịch sử của Đại Việt lại khác nhau.

Trần Thủ Độ do diễn viên Thiên Bảo đóng. Hình ảnh phim Trần Thủ Độ.

Trong bài “Ngôi vị Tể tướng trong diễn trình lịch sử Đại Việt thế kỷ XI-XVIII: nguồn gốc tên gọi và bản chất”, in trong sách Nghiên cứu Hán Nôm năm 2017 (Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia có phản biện), tác giả Phan Ngọc Huyền đã chỉ ra bản chất của ngôi vị này và trả lời câu hỏi Tể tướng là ai? Ai là tể tướng?

Từ việc tìm hiểu từ nguyên, tác giả cho rằng Tể tướng là một vị trưởng quan có quyền hành nhất, đứng đầu hàng ngũ quan lại thời phong kiến, là “trợ thủ cao cấp” giúp vua giải quyết các công việc quốc gia đại sự.

Trong lịch sử chế độ quân chủ Đại Việt, Tể tướng không phải là một chức quan cụ thể trong quan chế. Ở mỗi thời kỳ, ngôi vị này lại có tên gọi (định danh) khác nhau như: Thái úy (Phụ quốc Thái úy), Thống quốc Thái sư, Tư đồ phụ chính hoặc Đại tư đồ, Tả hoặc Hữu Tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, Tham tụng...

Te tuong Dai Viet anh 1
Tranh vẽ thái sư Trần Thủ Độ. Ảnh: Edu.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, chức vị mang trọng trách như Tể tướng bắt đầu xuất hiện từ thời Tiền Lê. Phần “Quan chức chí”, mục “Tể tướng” có đoạn: “Chức Tể tướng, đời Đinh về trước không khảo rõ được. Lê Đại Hành đặt quan, mới có chức Tổng quản coi việc hưng dân (năm Hưng Thống thứ 7 [995] cho Từ mục làm chức ấy), tóm giữ việc nước, tức là công việc của Tể tướng”.

Đầu thời Lý ngôi vị Tể tướng là Tướng công, gắn với việc vua Lý Thái Tổ bổ nhiệm Trần Cảo. Từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) trở đi, ngôi vị Tể tướng gắn với việc xuất hiện chức quan Phụ quốc Thái úy. Đến đời Nhân Tông lại thêm mấy chữ Kiểm hiệu Bình chương quốc công sự. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm Thái Ninh 3 (1074) Lý Nhân Tông đã phục chức cho Lý Đạo Thành mời ông về triều, thăng từ Tả gián nghị đại phu trông coi châu Nghệ An lên làm Thái phó Bình chương quân quốc trọng sư. Mùa Thu năm sau (1075) vua lại cho Lý Thường Kiệt làm Thái úy.

Dưới thời Lý, ngôi Tể tướng thường gắn với các chức như: Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự (Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành), Thái úy (Lý Thường Kiệt, Lưu Khánh Đàm…), Thái úy phụ chính hoặc Phụ quốc Thái úy (Trần Thừa…)…

Sang thời Trần, người được coi là Tể tướng đầu tiên của nhà Trần là Trần Thủ Độ được nhắc đến với hàm Thái sư. Năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi đã cho Trần Thủ Độ là Quốc thượng phụ, sau lại tấn phong làm Thái sư thống đốc hành quân vụ chinh thảo sư, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước.

Sau Trần Thủ Độ, những người ở ngôi Tể tướng đa phần giữ chức Tướng quốc Thái úy, sau đổi là Tả hoặc Hữu Tướng quốc, kiêm Kiểm hiệu đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty Bình chương sự.

Các chức quan được coi như ngôi vị Tể tướng dưới thời Trần gồm: Thái sư (Trần Nhật Duật), Tướng quốc Thái úy (Trần Nhật Hiệu, Trần Quang Khải), Tả hoặc Hữu tướng quốc (Cung Định vương phủ, Nguyên Trác), Tư đồ phụ chính (Trần Nguyên Đán), Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, Quốc tổ chương hoàng (Hồ Quý Ly)…

Te tuong Dai Viet anh 2
Tranh vẽ chân dung Hồ Quý Ly.

Đầu thời Lê sơ, triều đình vẫn theo chế độ cũ nhà Trần, đặc chức Tướng quốc, gia phong Bình chương quân quốc trọng sự. Các chức danh gắn với ngôi vị Tể tướng đầu thời Lê sơ có Tư đồ, Hữu tướng quốc (Hoàng tử Tư Tề), Tư đồ, Tả tướng quốc (Trần Nguyên Hãn), Đại tư đồ (Lê Sát), Thái úy (Trịnh Khả, Lê Thụ)...

Đến Hồng Đức (1470-1479), Lê Thánh Tông với cải cách quan chế đã bãi bỏ chức ấy, nên ngôi Tể tướng tạm thời bị xóa bỏ trong các đời vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và Lê Uy Mục. Đến đời Hồng Thuận (1509-1516), Lê Tương Dực đã cho đặt chức Bình chương phụ quốc, lại có tên gọi là Thừa tướng, Thượng tế… Nhân vật cuối cùng nắm quyền Tể tướng thời Lê sơ chính là Mạc Đăng Dung với sự kiện năm Thống Nguyên thứ 3 (1524), vua Lê Cung Hoàng buộc phải tiến phong Mạc Đăng Dung làm Bình chương quốc quân trọng sự Thái phó Nhân quốc công. Sau sự kiện này, nhà Lê sơ cũng sụp đổ với việc lên ngôi của vương triều nhà Mạc.

Thời Nam - Bắc triều, nổi lên tên tuổi của vị Tể tướng đồng thời cũng là quyền thần dưới thời Mạc Phúc Nguyên là Lê Bá Ly. Trước khi bỏ nhà Mạc theo về với nhà Lê, 1549, Lê Bá Ly làm Thái tể Phụng quốc công. Về phía nhà Lê Trung hưng, ngôi vị Tể tướng có nhiều dấu ấn trong thời kỳ đầu trước hết phải kể đến Trịnh Kiểm. Với công lao to lớn trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê, Lượng quốc công Trịnh Kiểm được vua Lê tấn phong là Thượng tướng Bình chương quân quốc trọng sự. Sau Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng nắm quyền được phong chức Tả tướng Thái úy, đều là công việc của Tể tướng và có thực quyền rất lớn.

Te tuong Dai Viet anh 3
Tranh vẽ chân dung Trịnh Kiểm.

Sau khi đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, phủ chúa được thiết lập ngay cạnh cung vua, họ Trịnh khẳng định thực quyền của mình bằng việc từng bước thiết lập một hệ thống quan chức ở phủ chúa tương đương với chính quyền bên cung vua. Năm 1600, chúa Trịnh Tạc bãi bỏ chức Tả, Hữu tướng và Bình chương của thời trước, đặt ra chức Tham tụng đảm đương công việc của Tể tướng. Năm 1601 đặt thêm chức Bồi tụng cũng là chức vụ quan trọng làm trong phủ chúa. Nhiệm vụ của tham tụng, bồi tụng là trực tiếp làm trong phủ chúa.

Gắn với chức quan Tham tụng, thời Lê trung hưng có nhiều cái tên nổi tiếng như Vũ Duy Chí, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Công Trứ.

Đến cuối đời Lê Trung hưng, vua Lê Chiêu Thống sau khi lên ngôi (1786) muốn điều chỉnh tên gọi, đổi Tham tụng làm Bình chương sự, Bồi tụng làm Tham tri chính sự giống như thời Trần và thời Lê sơ để nhằm thu lấy quyền họ Trịnh. Về sau do có sự can thiệp của triều thần nên đành chấp nhận sửa định tên quan theo phương án giữ lại một ít danh hiệu cũ và đặt chức Bình chương kiêm Tham tụng và Tham tri kiêm Bồi tụng. Sau khi Trịnh Bồng bị Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp, tháng 12 năm 1786, Lê Chiêu Thống phong Chỉnh làm Đại tư đồ, tước Bằng trung công. Đầu năm 1787, phong Phan Lê Phiên (cùng vây cánh Chỉnh) làm Bình chương sự. Đây là chức quan giữ ngôi vị Tể tướng cuối cùng thời Lê trung hưng.




Dao song va dao nghe phai hoa quyen voi nhau hinh anh

Đạo sống và đạo nghề phải hòa quyện với nhau

0

Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm