Sáng 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc. 350 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 37.000 đảng viên của 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Tây Ninh có mặt.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tham gia, chỉ đạo Đại hội.
Cần khai thác tốt vị thế địa lý
Chỉ đạo tại Đại hội, ông Trần Thanh Mẫn đánh giá Tây Ninh có vị trí địa lý quan trọng mang tính chiến lược về kinh tế đối ngoại, quốc phòng, an ninh, là “Thủ đô kháng chiến”, có bề dày lịch sử, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.
Nơi đây có nhiều công trình văn hoá, danh thắng như Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Tòa thánh Cao Đài, khu du lịch sinh thái Ma Thiên Lãnh…
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông đánh giá cao tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đầu người của tỉnh năm 2020, đạt 3.135 USD, cao gấp 1,51 lần so với năm 2015. Văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực.
Quốc phòng và an ninh được giữ vững; quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh giáp biên giới nước bạn Campuchia ngày càng phát triển.
Song, ông cho rằng tỉnh còn một số hạn chế. Kinh tế tăng trưởng nhưng nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng; doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp còn thấp; kinh tế cửa khẩu chưa được phát huy tốt.
Ông Mẫn yêu cầu tỉnh Tây Ninh khai thác triệt để lợi thế vị trí địa lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giáp TP.HCM, Bình Dương và nằm trên trục hành lang Đông - Tây, tuyến đường Xuyên Á và có 3 cửa khẩu quốc tế với Campuchia để phát triển kinh tế.
"Tôi tin Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục tăng cường đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển vượt bậc trong 5 năm tới. Xây dựng Tây Ninh trở thành một tỉnh khá trong vùng Đông Nam Bộ và đến năm 2030 là tỉnh khá trong cả nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tới đây", ông Mẫn nói.
4 chương trình đột phá
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cho biết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới và định hướng phát triển đến năm 2030.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tây Ninh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 76,9% trong GRDP.
Sản xuất nông nghiệp gắn liền với chế biến xuất khẩu. Thương mại - dịch vụ và du lịch có nhiều khởi sắc, xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thu hút đầu tư tăng mạnh, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao. Đến 2020, toàn tỉnh có 552 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký gần 78.000 tỷ đồng và 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 7,77 tỷ USD.
Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, đặc biệt các tuyến huyết mạch, kết nối vùng. Tỉnh cũng đã đề xuất Chính phủ phê duyệt chủ trương phát triển dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Tỷ lệ đô thị hóa tăng gấp đôi, hoàn thành 100% công tác phát triển 9 đô thị hiện hữu trên địa bàn tỉnh, gồm: TP Tây Ninh (đô thị loại II), Trảng Bàng, Hòa Thành (đô thị loại IV) và 6 đô thị loại V là Gò Dầu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu.
Ông Nguyễn Thành Tâm cho biết từ nay đến năm 2025, Tây Ninh xác định ngành, lĩnh vực phù hợp để tập trung thu hút đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng từ 4.500 USD trở lên.
Tỉnh sẽ thực hiện 4 chương trình đột phá, gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị; đưa khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh sẽ phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng, minh bạch, có sức cạnh tranh.
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Nam (986 m), nằm ở phía đông bắc TP Tây Ninh. Ngọn núi này có diện tích 24 km2 và gồm 3 ngôi chùa: Chùa Trung, chùa Bà và chùa Hang.
Núi Bà Đen hiện thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan mỗi ngày bởi cảnh đẹp núi non hùng vĩ, thảm thực vật phong phú. Đặc biệt, ngọn núi này còn gắn với truyền thuyết nàng Lý Thị Thiên Hương (Bà Đen).
Khí hậu trên núi mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình vào ban đêm khoảng 15-17 độ C. Du khách hiện lên núi Bà Đen bằng cách đi đường bộ hoặc cáp treo.