Những ngày gần đây, chiến dịch tẩy chay Facebook mang tên StopHateForProfit (Ngừng kiếm tiền từ sự thù địch) với sự tham gia của hàng trăm thương hiệu lớn như Unilever, P&G, Verizon... đang nhận được sự quân tâm lớn của dư luận.
Chiến dịch này chỉ trích Facebook không hành động đủ để loại bỏ những nội dung thù địch, phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, mà tiếp tục kiếm tiền từ đó. Hàng loạt thương hiệu lớn đã tuyên bố ngừng quảng cáo trên Facebook đến hết tháng 7 hoặc cả năm nay.
Tô vẽ, hứa hẹn và trấn an đối tác
Phản ứng trước làn sóng phản ứng tiêu cực này, ngày 18/6, Zuckerberg tuyên bố Facebook “sẽ dành hơn 200 triệu USD để ủng hộ các doanh nghiệp và tổ chức của người da màu", và “hỗ trợ thúc đẩy tiến bộ” trong cộng đồng này.
Trên trang Facebook cá nhân, CEO 34 tuổi nói: “Chúng tôi đang trao đổi với chủ các doanh nghiệp của người da màu để tìm ra cách tốt nhất mà chúng tôi có thể hỗ trợ họ và trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ hỗ trợ về tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh và suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng một cách bất công bằng tới cộng đồng của họ”.
Tờ Wall Street Journal ngày 25/6 cho biết dưới áp lực của làn sóng tẩy chay, đội ngũ giám đốc Facebook đang cố gắng kêu gọi các công ty không dừng quảng cáo trên nền tảng của họ.
Facebook cũng cho biết sẽ bắt đầu gắn nhãn các phát ngôn mang tính chính trị vi phạm quy định của mình và thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm ngăn chặn những nội dung mang tính đàn áp đối với cử tri và bảo vệ các cộng đồng thiểu số.
Trong thông cáo phát đi ngày 26/6 ngay sau tuyên bố ngừng quảng cáo của Unilever, nền tảng này nhấn mạnh các biện pháp mà công ty này đang thực hiện để bảo vệ nền tảng của mình.
"Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm để giữ cho cộng đồng được an toàn và liên tục làm việc với các chuyên gia bên ngoài để xem xét và cập nhật các chính sách của mình", người phát ngôn Andy Stone cho biết.
"Chúng tôi biết mình còn rất nhiều việc phải làm và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức dân quyền, GARM, và chuyên gia khác để phát triển nhiều công cụ, công nghệ và chính sách hơn nhằm duy trì cuộc chiến này".
Các chính sách mới này được đưa ra ngay sau khi Wall Street Journal đưa tin nói rằng hãng hàng tiêu dùng khổng lồ Unilever sẽ ngừng quảng cáo trên Facebook và Twitter ít nhất đến hết năm nay, với lý do quảng cáo của họ thường xuyên xuất hiện bên cạnh những phát ngôn thù địch và nội dung xuyên tạc.
Trong một tuyên bố vào tuần này, Facebook nói rằng công ty này đang làm việc với các tổ chức dân quyền trên. "Chúng tôi tôn trọng quyết định của bất cứ nhãn hàng nào, và sẽ tiếp tục tập trung vào việc quan trọng là loại bỏ những phát ngôn thù địch và cung cấp những thông tin quan trọng về bầu cử".
"Lòng tin đã bị phá vỡ"
Thế nhưng, đây không phải lần đầu mạng xã hội này đưa ra những lời hứa hẹn dọn dẹp, trong khi những nhà quảng cáo lại chẳng mấy hạnh phúc suốt thời gian dài.
Năm 2019, Facebook ghi nhận doanh thu 70 tỷ USD, trong đó phần lớn đến từ quảng cáo. Đổ số tiền khổng lồ nuôi Facebook, các doanh nghiệp lại bị tổn hại uy tín khi thương hiệu xuất hiện bên cạnh tin giả, tin xấu độc, những nội dung thù hằn, phân biệt đối xử...
CEO Mark Zuckerberg của Facebook. Ảnh: WSJ. |
Vài năm qua, Facebook liên tục bị ném đá vì để tin giả mạo, hiển thị các nội dung có xu hướng cô lập về mặt quan điểm, sai lệch kết quả bầu cử và gây ra chứng nghiện mạng xã hội...
Từ hơn 2 năm trước, các nhãn hàng đã cảnh báo Facebook về vấn nạn tin giả, tin xấu độc trên nền tảng mạng xã hội này.
Tháng 2/2018, chính Unilver, tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu tiêu dùng lớn, đã gửi tối hậu thư đến cả Facebook và Google, yêu cầu hai nền tảng này nhanh chóng dẹp nạn tin giả, phân biệt chủng tộc, nội dung khiêu dâm và cực đoan đang tràn lan trên YouTube và mạng xã hội Facebook.
Tập đoàn này khi đó cảnh báo sẽ rút toàn bộ quảng cáo bởi "không thể cứ tiếp tay cho chuỗi cung ứng kỹ thuật số đôi khi không tốt hơn một đầm lầy về sự minh bạch" - lời ông Keith Weed, người phát ngôn trong thông cáo của Unilever, theo CNN.
Thời điểm đó, Facebook cũng lên tiếng trấn an và cam kết làm việc chặt chẽ với đối tác. Thế nhưng, suốt hơn 2 năm qua, tình hình không mấy cải thiện, thậm chí còn trầm trọng hơn.
Năm 2019, Facebook ghi nhận doanh thu 70 tỷ USD, trong đó phần lớn đến từ quảng cáo. Ảnh: CNN. |
Barry Lowenthal, CEO của The Media Kitchen, nói rằng mặc dù Facebook đã cam kết những khoản đầu tư lớn, vấn đề vẫn tiếp tục.
"Có vẻ không có thay đổi nào. Thông tin sai lệch, xấu độc vẫn lan tràn trên Facebook và sự chia rẽ ở đất nước này tiếp tục lớn lên”, vị này nhận xét.
Trong khi đó, đồng chủ tịch Jeff Goodby nói với CNBC rằng, theo ông, lòng tin đã bị phá vỡ. "Tôi lạc quan là họ sẽ lắng nghe và làm gì đó, nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại".
"Bạn không thể đòi hỏi các nhà quảng cáo đầu tư vào một thứ mà nội dung của chúng đến từ bất kỳ đâu không có kiểm chứng và đảm bảo rằng nó an toàn. Chẳng có một chính sách đảm bảo nào cả. Facebook thậm chí không quan tâm về chính luật của họ", vị này nói.
Hiện có khoảng 100 nhãn hàng đã tuyên bố quay lưng với quảng cáo Facebook. Với doanh số 70 tỷ USD vào năm ngoái, con số 100 là chưa lớn. Nhưng theo các chuyên gia, sẽ có nhiều cái tên lớn chung tay vào chiến dịch StopHateForProfit chống lại Facebook. Khi đó, hiệu ứng hòn tuyết lăn là điều đã được dự doán, theo CNBC.