Chỉ trong các ngày 13/6-2/7, Lai Châu đã liên tiếp hứng chịu 7 trận động đất. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều trận động đất với cấp độ nhỏ cũng xảy ra ở một số tỉnh Tây Bắc và lân cận.
Lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu cho biết theo kết quả đánh giá các số liệu từng ghi nhận trong lịch sử, Tây Bắc là khu vực dễ xảy ra động đất mạnh nhất Việt Nam.
Tây Bắc hứng chịu nhiều trận động đất mạnh nhất
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết những trận động đất liên tục xảy ra ở Lai Châu trong những ngày qua là hoạt động có tính quy luật. Theo đó, động đất khác với các loại hình thiên tai khác ở chỗ đây là hoạt động tích lũy năng lượng nhiều năm, thậm chí là hàng trăm năm chứ không có tính chu kỳ.
Theo ông Xuân Anh, mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt 6,7-6,8 độ richter đã được ghi nhận trong lịch sử.
Việt Nam không nằm trong hệ thống "vành đai lửa" nhưng vẫn có mối hiểm họa về động đất khá cao. Ảnh: USGS. |
Trên cơ sở các kết quả phân tích không gian và thời gian về hoạt động động đất khu vực miền Bắc, ông Xuân Anh khẳng định Tây Bắc là nơi có tính động đất cao. Số liệu về những trận động đất được ghi nhận trong quá khứ cũng cho thấy hoạt động động đất mạnh ở khu vực này.
"Chúng tôi đánh giá khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Tuần Giáo, Lai Châu, Sơn La,… có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai", Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết.
Với độ lớn này, người dân hoàn toàn cảm nhận được sự rung lắc mạnh mẽ và cảm thấy sợ hãi. Những trận động đất mạnh cấp 9 có thể phá hủy toàn bộ nhà cửa của người dân.
Nâng cao hệ thống cảnh báo động đất
Nói về các số liệu lịch sử, ông Xuân Anh lấy dẫn chứng về các trận động đất từng xảy ra năm 1935 và 1983 ở Tuần Giáo và Điện Biên với độ lớn 6,7-6,8. Đây là những trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận ở Việt Nam.
Ngoài ra, kết quả phân tích số liệu cũng cho thấy hoạt động động đất ở miền Bắc và các tỉnh lân cận có thể phân ra thành 3 giai đoạn chính: 1903-1977 với tổng số 162 trận động đất; 1978-2004 với tổng số 621 trận và 2005-2020 có tổng 572 trận.
Tuy có sự đối lập giữa độ dài thời gian và số lượng các trận động đất xảy ra, nhưng độ lớn trung bình của các trận động đất giảm dần qua 3 giai đoạn trên. Điều này hoàn toàn phù hợp với việc trong những năm gần đây, hệ thống mạng trạm quan trắc động đất ở Việt Nam đã được đầu tư, nâng cấp.
Lai Châu và các tỉnh Tây Bắc được nhận định là tâm điểm của các trận động đất mạnh. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu. |
Dù vậy, lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu cho rằng người dân không nên coi nhẹ hiểm họa động đất.
"Mặc dù cho đến nay, thiệt hại về người và tài sản do động đất gây ra tại nước ta nói chung và khu vực vùng núi phía Bắc nói riêng là không đáng kể so với các loại hình thiên tai khác như bão, lũ lụt và hỏa hoạn, nhưng sẽ sai lầm nếu coi nhẹ hiểm họa động đất", ông Xuân Anh khẳng định.
Trên cơ sở những nhận định trong quá khứ và dự báo tương lai, lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu đề xuất thực hiện dự án phân vùng rủi ro động đất và sóng thần theo quy định của Thủ tướng nhằm nâng cao chất lượng công tác cảnh báo tin động đất và phòng chống động đất.
Ngoài ra, việc triển khai quan trắc động đất, trong đó có hệ thống cảnh báo sớm động đất và nghiên cứu đánh giá chi tiết hoạt động động đất khu vực vùng núi phía Bắc cũng là phương án cần làm để chủ động ứng phó với thảm họa động đất.
Ngày 16/6, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) ghi nhận trận động đất mạnh 4,9 độ richter. Cùng với trận động đất mạnh 5,2 độ richter tại Cao Bằng xảy ra ngày 25/11/2019, đây là 2 trận động đất mạnh nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Những trận động đất này được đánh giá là có độ lớn trung bình.
Một số tỉnh lân cận khu vực Tây Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh cũng thi thoảng xuất hiện các trận động đất cấp độ nhẹ, người dân chỉ cảm nhận rung lắc nhẹ, đồ đạc không bị đổ vỡ.