Ngày 6/7, Tổng cục Phòng chống thiên tai có báo cáo về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo điều hành trong 6 tháng đầu năm và xác định nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm, trong bối cảnh thiên tai năm nay diễn biến cực đoan.
Thời gian qua, cùng với việc chống chọi dịch bệnh Covid-19, các quốc gia trên toàn thế giới phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra.
6 tháng đầu năm, thiên tai trên thế giới diễn biến bất thường, khốc liệt với những trận lũ và lở đất ở Brazil, vỡ đập ở bang Michigan (Mỹ), động đất ở Puerto Rico hay siêu bão Amphan đổ bộ vào Ấn Độ và Bangladesh, lũ lụt nghiêm trọng ở 26 tỉnh phía tây nam Trung Quốc… gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
So sánh thiệt hại do thiên tai gây ra tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 và 2020. Biểu đồ: Mỹ Hà. |
Tại Việt Nam, 16 loại hình thiên tai đã xảy ra trên khắp cả nước kể từ đầu năm đến nay, với các hình thái chủ yếu như dông lốc, mưa lớn, mưa đá.
Lũ quét và sạt lở đất cũng xuất hiện ở Bắc Bộ. Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và 31 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển đã xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long. Bão số 1 đã hình thành trên Biển Đông trong tháng 6.
Thống kê thiệt hại cho thấy, thiên tai 6 tháng đầu năm đã làm 47 người chết, 130 người bị thương. Ước tính thiệt hại về kinh tế gần 3.400 tỷ đồng.
So với thiệt hại do thiên tai gây ra trong cùng kỳ năm 2019, số người chết trong 6 tháng đầu năm cao gấp 2,6 lần, còn thiệt hại về kinh tế cao gấp 7 lần.
Trước các thông tin dự báo về tình hình thiên tai 6 tháng cuối năm với 11-13 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông và 5-6 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta, Tổng cục Phòng chống thiên tai xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là đảm bảo an toàn ở mức cao cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão.
Nhà chức trách cần nâng cao tính chủ động khi theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, đặc biệt là các hình thái cực đoan như lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa lũ lớn và bão mạnh.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn và đặc biệt lớn. Với tình huống bất lợi trên diện rộng, đơn vị đã có phương án chỉ đạo ứng phó với lũ lớn trên trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình...