Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (chủ sở hữu thương hiệu taxi Mai Linh) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022. Báo cáo được công bố là phiên bản rút gọn không kèm thuyết minh báo cáo tài chính.
Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 1.647 tỷ đồng, tăng gần 55% so với năm 2021 nhờ hoạt động vận tải hồi phục mạnh sau dịch bệnh. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp mang về cho doanh nghiệp gần 420 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sinh lời 25%, trong khi cùng kỳ chưa đến 9%.
Trong khi đó, các khoản chi phí trong năm qua cũng biến động mạnh, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 16% lên đến, 338 tỷ đồng. Điều này khiến cho doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh gần 97 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ khoản 105 tỷ đồng đến từ lợi nhuận khác, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1 tỷ đồng trong năm 2022. Kết quả này cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hơn 270 tỷ đồng của năm tài chính trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên Tập đoàn Mai Linh thoát lỗ kể từ năm 2018.
Kết quả kinh doanh thời gian gần đây của Mai Linh | ||||||
Dữ liệu: BCTC Mai Linh | ||||||
Nhãn | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | |
Doanh thu thuần | Tỷ đồng | 2432 | 2217 | 1574 | 1064 | 1647 |
Lãi sau thuế | -26.5 | -6.3 | -185 | -271.5 | 1 |
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của công ty không thay đổi nhiều so với đầu năm với khoảng 4.135 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn với hơn 1.700 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, trong cơ cấu nguồn vốn của công ty, nợ phải trả chiếm tỷ trọng áp đảo gần 98% với hơn 4.000 tỷ đồng.
Mặt khác, sau 4 năm thua lỗ kéo dài, khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán đến cuối năm 2022 của Mai Linh vẫn vượt mức 1.400 tỷ đồng, ăn mòn vào 1.247 tỷ đồng của phần vốn góp chủ sở hữu.
Khoản lỗ lũy kế nghìn tỷ này đã khiến cho vốn chủ sở hữu chỉ ghi nhận vỏn vẹn 93 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Thậm chí thời điểm đầu năm, doanh nghiệp có ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 21 tỷ đồng.
Theo đó, doanh nghiệp vận tải này có tỷ lệ đòn bẩy lớn khi hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2022 lên đến 43 lần.
Hai năm tài chính trước đó, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine khiến giá năng lượng, xăng dầu tăng cao, ban lãnh đạo cho biết doanh thu hoạt động vận tải của hãng đã giảm sút nghiêm trọng. Mai Linh sau đó đã phải triển khai các ngành nghề mới như logistic, bảo hiểm để khai thác tối đa hệ sinh thái tập đoàn và duy trì hoạt động liên tục.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.