Mô phỏng tàu thăm dò Messenger của NASA. Ảnh: CNN |
Trung tâm điều khiển sứ mệnh thăm dò sao Thủy tại Phòng thí nghiệm và ứng dụng vật lý Đại học Johns Hopkins, Mỹ, xác nhận, Messenger đâm xuống lúc 3h26 ngày 30/4 (7h26 giờ GMT).
Theo NASA, tàu va chạm với bề mặt sao Thủy với vận tốc 14.000 km/h và tạo ra hố rộng đường kính 16 m. Hệ thống kính thiên văn trên trái đất không thể quan sát vụ va chạm vì nó xảy ra ở mặt bên kia của sao Thủy, CNN đưa tin.
Messenger là từ viết tắt của Bề mặt sao Thủy, môi trường không gian, địa-hóa học và phạm vi. Nó được phóng lên vũ trụ năm 2004 và di chuyển trong 6 năm rưỡi để tới quỹ đạo sao Thủy ngày 18/3/2011. Đây là tàu vũ trụ đầu tiên đảm trách nhiệm vụ quan sát hành tinh nằm ngay cạnh Mặt trời.
Các nhà khoa học cho biết, Messenger vẫn hoạt động tốt khi lao xuống sao Thủy. Tuy nhiên, con tàu cạn kiệt nhiên liệu sau hành trình dài 8 tỷ km cùng 4 năm miệt mài theo dõi hành tinh nằm gần Mặt trời nhất.
Giới chuyên môn không thể tìm ra giải pháp cứu tàu nên quyết định để nó lao xuống và ăn mừng vì Messenger đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.
Trong hơn 4 năm, Messenger cung cấp nhiều dữ liệu có giá trị và hàng ngàn bức ảnh về sao Thủy. Một trong những phát hiện lớn nhất là khối băng khổng lồ ở vùng cực không bị mặt trời chiếu sáng của hành tinh này. Nếu phủ kín bang Washington, Mỹ, lớp băng sẽ dày tới 2 m.
Dù sứ mệnh của Messenger đã kết thúc nhưng các nhà khoa học sẽ mất nhiều năm để phân tích dữ liệu mà tàu gửi về. Nó là chìa khóa giúp con người hiểu hơn về hành tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời.