Ảnh chụp do Hakuto-R gửi về. Ảnh: iSpace. |
Trong bức ảnh con tàu gửi về, Trái Đất như vừa mọc lên từ Mặt Trăng giống với tấm ảnh huyền thoại “Earthrise” được chụp vào ngày 24/12/1968 bởi phi hành gia thuộc sứ mệnh Apollo 8.
Nhưng điều đặc biệt của tấm ảnh này là ở giữa Trái Đất xuất hiện một mảng đen lớn. Đốm đen này chính là bóng đen của nhật thực toàn phần vào ngày 21/4 khi di chuyển từ vùng biển lân cận Nam Đại Dương, cắt qua Australia và đến Indonesia.
Theo Livescience, trạm đổ bộ Hakuto-R phóng trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX hồi tháng 12/2022, bắt đầu chuyến bay thử nghiệm tới Mặt Trăng. Nếu thành công, đây sẽ là tàu vũ trụ thương mại đầu tiên đặt chân đến Mặt Trăng. Tuy nhiên, Hakuto-R đã mất tín hiệu ngay trong ngày hạ cánh dự kiến 26/4.
Tàu vũ trụ Nhật Bản đã bay 1,4 triệu km để đạt quỹ đạo quanh Mặt Trăng. Nhưng đến khi hạ xuống 100 km, phòng điều khiển dưới mặt đất đột nhiên mất kết nối với Haruto-R, Washington Post cho biết. Sau vài phút, các phi hành gia mặt đất kết luận có thể con tàu đã lao thẳng xuống Mặt Trăng.
“Chúng tôi đành phải kết luận rằng tàu vũ trụ đã không hoàn thành nhiệm vụ đáp xuống Mặt Trăng”, Takeshi Hakamada, CEO và nhà sáng lập iSpace, nói trong buổi phỏng vấn với báo giới. Một phân tích chuyên môn sau đó cho biết rất có thể Hakuto-R đã cạn kiệt lượng thuốc phóng nên không kịp giảm tốc khi đáp xuống mặt đất.
Theo đúng kế hoạch ban đầu, Hakuto-R sẽ tới quỹ đạo Mặt Trăng vào nửa cuối tháng 3/2023 và hạ cánh vào cuối tháng 4/2023. Ảnh: iSpace. |
Theo Livescience, Hakuto-R không phải là tàu vũ trụ tư nhân duy nhất thất bại trong sứ mệnh đặt chân đến Mặt Trăng. Năm 2019, tàu vũ trụ Beresheet do tổ chức phi chính phủ SpaceIL và hãng Công nghiệp vũ trụ Israel phối hợp sản xuất đã bị rơi trong lúc cố gắng hạ cánh mềm xuống Mặt Trăng do động cơ chính gặp trục trặc. Tính đến hiện tại, chỉ có 3 quốc gia có tàu đổ bộ lên Mặt trăng là Nga, Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù không thể hoàn thành sứ mệnh, Hakuto-R đã gửi về rất nhiều hình ảnh đặc biệt trong lúc bay trên quỹ đạo Mặt Trăng. Những thông tin này đều là dữ liệu quý giá cho các sứ mệnh không gian trong tương lai. “Chúng tôi đã đạt được rất nhiều thành tựu trong Mission 1. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng trong tương lai”, CEO Takeshi Hakamada chia sẻ.