Hope bay qua Deimos và ghi lại hình dạng kỳ lạ cùng với các vết rỗ trên bề mặt mặt trăng của Hỏa tinh. Ảnh: Emirates Mars Mission. |
Hope, tên chính thức là Emirates Mars Mission (EMM), đã thực hiện chuyến bay ngang qua mặt trăng của Hỏa tinh cách đây hơn một tháng.
Hessa Al Matroushi, trưởng nhóm khoa học EMM, cho biết cả nhóm đã phấn khích trước những hình ảnh đầu tiên của mặt trăng rộng 12,4 km được gửi về. Đến ngày 24/4, nhóm Al Matroushi tiết lộ hình ảnh tại cuộc họp của Liên minh Khoa học Địa chất Châu Âu tại Vienna.
Giống như Mặt Trăng của Trái Đất, Deimos bị khóa chặt với hành tinh của nó, nghĩa là mọi quan sát từ quỹ đạo thấp hoặc bề mặt của Hỏa tinh từ trước đến nay chỉ nhìn thấy một phía của mặt trăng này.
Mặt trăng Deimos hình thành từ cùng loại vật liệu với hành tinh Đỏ, theo quan sát mới. Ảnh: Emirates Mars Mission. |
Nhưng so với tất cả nhiệm vụ từng khám phá hành tinh Đỏ, Hope có quỹ đạo dài và cao bất thường, đạt tới hơn 40.000 km so với bề mặt Hỏa tinh ở điểm cao nhất.
Chính quỹ đạo này cho phép tàu quan sát Deimos từ trên cao và chụp ảnh phía chưa từng thấy của mặt trăng này, Al Matroushi giải thích. Dù vậy, EMM chưa thể chụp ảnh một mặt trăng khác của Hỏa tinh, Phobos, do thiên thể này nằm cách bề mặt hành tinh Đỏ chưa đến 10.000 km, thấp hơn điểm thấp nhất trong quỹ đạo của tàu thăm dò.
Trong chuyến bay ngày 10/3, nhóm vận hành Hope đã sử dụng cả ba thiết bị trên tàu để ghi lại các chỉ số trải dài từ tia hồng ngoại đến tia cực tím của Deimos.
Hình ảnh chụp mặt trăng của Hỏa tinh ở điểm tàu vũ trụ tiếp xúc gần nhất. Ảnh: Emirates Mars Mission. |
Quang phổ tương đối phẳng thu được cho thấy mặt trăng này có vật liệu bề mặt giống với Hỏa tinh, không phải loại đá giàu carbon thường được tìm thấy trong các tiểu hành tinh. Có nghĩa là Deimos được hình thành từ cùng một loại vật chất và cùng lúc với Hỏa tinh, chứ không phải một tiểu hành tinh đi lạc bị rơi vào lực hút của hành tinh Đỏ.
Hope là tàu vũ trụ nặng 1,35 tấn, trị giá 200 triệu USD được phóng bằng tên lửa của Nhật Bản vào tháng 7/2020 và đến Hỏa tinh vào tháng 2/2021.
Tàu thường xuyên quan sát bầu khí quyển của Hỏa tinh, và mục tiêu khoa học chính là nghiên cứu các biến đổi theo mùa trong bầu khí quyển và các kiểu thời tiết của hành tinh Đỏ. Khi nhiệm vụ này hoàn thành, trong khi nhiên liệu vẫn còn, nhóm vận hành đã dùng động cơ để đưa Hope vào một quỹ đạo đi qua Deimos nhiều lần để nghiên cứu kỹ hơn mặt trăng của Hỏa tinh.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.