Ba tàu hải giám Trung Quốc có số hiệu lần lượt 2166, 2350, 2506 đã đi vào vùng lãnh hải này vào khoảng 9 giờ ngày 8/12 (theo giờ địa phương), cách hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp khoảng 12 hải lý. Các tàu này lượn lờ quanh đó trong khoảng 3 giờ.
Tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh: EPA. |
Tàu hải giám Trung Quốc đến gần Senkaku hồi tháng 3/2012. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Đây là lần đầu tiên tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện trở lại trong vùng biển gần quần đảo tranh chấp kể từ khi nước này tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Tuyên bố trên đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật, Mỹ, Hàn Quốc. Mối quan hệ song phương Tokyo và Bắc Kinh tiếp tục căng thẳng.
Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần điều tàu hải giám đến vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư và tuyên bố đây là hoạt động tuần tra bình thường của mình, trong khi phía Nhật Bản không ngừng lên tiếng phản đối.
Mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng dữ dội vì quần đảo tranh chấp này, đặc biệt kể từ khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9/2012. Phía Trung Quốc cũng không ngừng tuyên bố chủ quyền của mình.
Mới đây, Hạ viện Nhật Bản thông qua nghị quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ vùng nhận dạng phòng không do Bắc Kinh đơn phương thiết lập. Nhật Bản cho đó là phương pháp “liều lĩnh và nguy hiểm” và họ sẽ không bao giờ chấp nhận “nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đáp trả gay gắt rằng Nhật Bản không có quyền chỉ trích hành động của họ và việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không là phù hợp theo luật quốc tế.
Trung Quốc nhắc lại lập trường rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ nước này và Nhật Bản đã cố tình xâm phạm. Trung Quốc không quên đổ lỗi Nhật Bản đã làm căng thẳng trên biển Hoa Đông và kêu gọi nước này không nên tiếp tục “khiêu khích” cũng như nhanh chóng hành động để cải thiện quan hệ hai bên.