Sáng 15/5, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông báo tàu Tianwen-1 đã hạ cánh xuống Hỏa tinh. Con tàu này mang theo robot thăm dò Zhurong, với nhiệm vụ kiểm tra bề mặt gần nơi hạ cánh.
"Nhiệm vụ Tianwen-1 đã giúp Trung Quốc có lần đầu tiên hạ cánh trên một hành tinh khác, và là một dấu ấn quan trọng trong hành trình phát triển khoa học không gian và vũ trụ", đài CCTV của Trung Quốc nhận định.
Ảnh minh họa tàu thăm dò Zhurong trên Hỏa tinh. Ảnh: CNSA. |
Địa điểm hạ cánh của Tianwen-1 có tên Utopia Planitia, là nơi tàu Viking 2 của NASA từng đáp xuống năm 1976. Từ thập niên 1970, NASA đã liên tục gửi các tàu thăm dò lên Hỏa tinh để thăm dò bề mặt, địa lý của hành tinh này. Vào tháng 4, máy bay điều khiển từ xa Ingenuity cũng là thiết bị bay đầu tiên cất cánh từ một hành tinh khác.
Theo Bloomberg, việc hạ cánh trên Hỏa tinh sẽ giúp hình ảnh của Trung Quốc đẹp hơn, trong bối cảnh tên lửa Trường Chinh 5B của nước này vừa rơi mất kiểm soát xuống Ấn Độ Dương chưa đầy một tuần trước.
"Robot tự hành Zhurong Mars được kỳ vọng sẽ giúp khởi tạo thời kỳ khám phá liên hành tinh của Trung Quốc, và đưa con người tới những vùng không gian chưa được khám phá", CNSA thông báo trước khi Tianwen-1 hạ cánh xuống Hỏa tinh.
Tuy tiếp cận hành tinh này sau Mỹ tới hơn 40 năm, việc Trung Quốc có thể đưa tàu lên Hỏa tinh cho thấy khoảng cách về khoa học không gian giữa hai nước đang thu hẹp.
"Đây là nơi khó hạ cánh nhất trên hệ Mặt Trời. Việc Trung Quốc có thể hạ cánh ở Hỏa tinh ngay trong lần đầu tiên cho thấy họ là một trong những nước có cơ quan vũ trụ hiện đại nhất", Emily Lakdawalla, tác giả cuốn sách về hành trình của robot Curiosity của NASA nhận xét.
Khác với Mặt Trăng, nơi không có khí quyển nên có thể dễ dàng dùng dù để giảm tốc độ, Hỏa tinh có khí quyển nên các tên lửa sẽ rất khó giảm tốc độ. Vì không khí của Hỏa tinh loãng hơn nhiều so với Trái Đất, do vậy cách giảm tốc bằng dù cũng phải tính toán rất cẩn thận.
Do đó, để hạ cánh xuống Hỏa tinh, các tàu vũ trụ cần giảm tốc cực nhanh trong giai đoạn rất ngắn.
"Đang ở vận tốc hơn 30.000 km/h, tên lửa phải giảm tốc và dừng lại trong vòng 7 phút", Nilton Renno, Giáo sư khoa học vũ trụ tại Đại học Michigan cho biết. Theo CNSA, cách để họ giải quyết bài toán này là "thiết kế khí động học, dù, tên lửa giảm tốc và chân đỡ lực khi hạ cánh".
Năm 2003, Cơ quan Vũ trụ châu Âu từng đưa tàu Beagle 2 lên Hỏa tinh nhưng không thể hạ cánh. Tàu ExoMars Schiaparelli được phóng lên vào năm 2016 cũng không thể hạ cánh vì các lỗi phần mềm.
Vào thập niên 1970, Liên Xô cũng nhiều lần phóng tên lửa lên Hỏa tinh. Tàu Mars 3 đã tiếp cận bề mặt hành tinh này, nhưng chỉ truyền tín hiệu được về gần một phút trước khi mất hẳn tín hiệu.