Tậu súng để khoe giàu - 'mốt' thịnh hành ở Ấn Độ
Quyền lực, địa vị, quan hệ và tiền bạc đang được giới nhà giàu và thanh niên Ấn Độ phô ra bằng những khẩu súng lục ngoại có giá lên tới hàng chục ngàn đô la.
>>Cuộc chiến nhà vệ sinh ở Ấn Độ
>>10 người giàu nhất Ấn Độ
Ấn Độ hiện đang sở hữu khoảng 40 triệu khẩu súng, chỉ đứng thứ hai thế giới sau Mỹ trong việc phổ dụng loại vũ khí này. Thu nhập tăng cùng với nỗi lo sợ về tội phạm và các cuộc tấn công khủng bố đã thúc đẩy việc buôn bán và sử dụng vũ khí nóng "nở rộ" tại đất nước có dân số đông thứ hai thế giới.
Súng đang hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người dân Ấn Độ, và mong muốn sở hữu nó đang len lỏi trong tâm trí mọi người. Vikramjit Singh, người sở hữu khoảng 10 khẩu súng cho rằng, súng sẽ có ích trong việc giải quyết những thù hận gia tộc nếu như chúng nổi lên.
Súng đang vô cùng phổ biến ở khắp Ấn Độ. |
Trong khi đó, Singh, sinh viên 25 tuổi, luôn ám ảnh về cuộc chiến khốc liệt giữa hai gia tộc xung khắc nhau trong truyền thuyết Hatfield - McCoy của Mỹ, khi ông nội anh bị bắn chết ở phía tây Punjab (Parkistan), còn cha anh thì bị cầm tù vì tội giết người trả thù. Dù hai dòng tộc đã ký một thỏa thuận ngừng bắn trong vài năm trở lại đây, nhưng Singh chưa bao giờ ngừng lo lắng về những nguy hiểm đang rình rập quanh mình. Theo anh, việc giữ súng trong người 24/7 là một việc cần thiết, bởi bạn sẽ không thể biết được khi nào gia đình họ sẽ tấn công trả thù. Ngoài ra, những vũ khí đắt tiền là biểu tượng cho sức mạnh, bạn sẽ không thể tỏa sáng với một khẩu súng cũ rích.
Đối với Jagdeep Singh, quản lí ngân hàng, ông luôn giấu trong túi áo khẩu súng lục, và nó đã giúp ông chống lại những kẻ tấn công vào năm 1990. Ông cho biết: “Tôi có hai cô con gái xinh đẹp, và đó là một trong những lí do tôi sở hữu súng.”
Ấn Độ là một đất nước từng được biết đến vì niềm tin vào đạo Hindu, sự thiêng liêng của cuộc sống và vạn vật xung quanh, một đất nước không bạo lực. Thế nhưng, nền kinh tế phát triển và dư âm của các cuộc tấn công khủng bố đặc biệt ở Mumbai năm 2008 đã khiến cho “vũ khí nóng” có sức hút lạ kì với người dân nước này. Những vũ khí cao cấp là thước đo cho sự giàu sang.
Mặc dù có những biện pháp cứng rắn trong việc kiểm soát vũ khí nóng, nhưng Ấn Độ vẫn sở hữu khoảng 40 triệu khẩu súng, cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. 85% trong số đó là súng bất hợp pháp và liên quan đến 90% những vụ giết người bằng súng. Theo thống kê, Ấn Độ có 80.000 vụ vi phạm liên quan đến việc buôn bán và vận chuyển vũ khí bất hợp pháp trong năm 2009, tăng 8% so với năm 2007. Tuy nhiên, hầu hết các vụ giết người vẫn liên quan đến dao và các loại vũ khí khác, súng chỉ chiếm 14%.
So với Mỹ, Ấn Độ vẫn là xã hội ít bạo lực hơn, tuy nhiên, những người đam mê “vũ khí nóng” vẫn luôn cho rằng đất nước của họ cần có thêm thật nhiều súng trong tình cảnh thế giới bất ổn hiện nay.
Trong khi việc sử dụng súng đang lan rộng, chính quyền địa phương lại sẵn sàng cung cấp giấy phép sử dụng vũ khí nhanh chóng cho những nam giới đồng ý thắt ống dẫn tinh (một biện pháp sinh đẻ có kế hoạch tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới). Và vũ khí là một trong những của hồi môn của các gia đình tại đây. Chính quyền còn khuyến khích tiếng súng ăn mừng trong đám cưới, mặc dù có trường hợp chú rể đã phải bỏ mạng trong đám cưới của chính mình vì cuộc ăn chơi thác loạn của người chú đi quá giới hạn.
Những vụ giải quyết tranh chấp cá nhân bằng súng tại Ấn Độ luôn tràn ngập trên các trang báo: "Một người đàn ông 22 tuổi bị bắn chết khi đang đi vệ sinh"; "Một người đàn ông thiệt mạng sau khi chen lấn tại điểm phân phối nước"; hay "Năm người đã thiệt mạng trong những cuộc bạo lực liên quan đến bầu cử ở bang Manipur"…
Ông Binalakshmi, Tổng thư kí hiệp hội kiểm soát vũ khí Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi không trả tiền cho việc gia tăng bạo lực tại đây. Thật sai lầm khi quan niệm rằng một khẩu súng có thể đem lại sự an toàn cho bạn.”
Trong những nỗ lực giảm thiểu bạo lực, chính quyền tại New Delhi - thủ đô của Ấn Độ đã đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn trong việc cấp giấy phép sử dụng súng. Để có được giấy phép sử dụng súng, bạn phải trải qua sự kiểm tra gắt gao của cảnh sát, bị giới hạn nghiêm ngặt về số đạn dược và phải cam kết rằng không gây nguy hiểm cho người khác. Tuy nhiên, tình trạng hối lộ và tận dụng các mối quan hệ quen biết đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả cuối cùng.
Những quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt của chính quyền trong việc sở hữu súng đã thúc đẩy những người sở hữu “vũ khí nóng” tham gia vào Hội súng trường quốc gia Ấn Độ, dựa theo mô hình của Mỹ. Tính tới nay, hội này đã có 3.500 thành viên và đang tích cực vận động hành lang để chính phủ giảm bớt những quy định hạn chế.
Mặt khác, truyền thống của các gia đình giàu có tại địa phương là cho phép con cái sở hữu súng ngắn sau khi trải qua những khóa tập luyện tới thành thạo. Sức mạnh đồng tiền và thói thích khoa trương đã khiêu khích các chàng trai cạnh tranh nhau để sở hữu những khẩu súng lục tuyệt đẹp, với giá lên tới hàng chục ngàn USD.
Tại trung tâm thành phố Chandigarh và các đô thị giàu có khác, thanh thiếu niên thường tụ tập trên đường phố và cạnh tranh nhau để tìm ra “ông vua” sở hữu súng, trong khi cảnh sát luôn thận trọng trước những lỗi lầm của “con quan”.
Những khẩu súng hàng đầu tại đây gồm súng lục 7.62 Tokarev của Nga và Trung Quốc với giá khoảng 12.000 USD, khẩu Colt .45 của Mỹ với giá từ 6.000 đến 8.000 USD và một số súng do Ý sản xuất.
Ông Sidhu, một nhân viên chính phủ, cho biết: "Người giàu có cho rằng việc sở hữu những vũ khí đắt tiền sẽ tăng cường hình ảnh và sức mạnh của họ. Mặc dù đã siết chặt những quy định, nhưng thực tế bạn không thể cấm một người Punjab yêu súng" (Punjab là tỉnh đông dân và phồn thịnh nhất Pakistan).
Một số người lo sợ Ấn Độ sẽ trở thành "miền tây hoang dã", khi một số người dân ở đây thực sự muốn trở thành một anh hùng dân tộc, một tay đấu súng cừ khôi như Wild Bill Hickok của Mỹ.
Thu Hồng
Theo Infonet.vn