Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu Nhật Bản gây tràn dầu vì vào gần bờ để bắt tín hiệu điện thoại

Một tàu chở dầu Nhật Bản đã đâm vào rạn san hô, gây ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng ở Mauritius sau khi thủy thủ đoàn lái tàu vào quá gần bờ để bắt tín hiệu điện thoại di động.

Mitsui OSK Lines (MOL), một trong những công ty vận tải biển hàng đầu Nhật Bản, đã thừa nhận tai nạn môi trường tồi tệ nhất năm ở Mauritius là do sự bất cẩn của thủy thủ đoàn gây ra, South China Morning Post đưa tin.

MOL, chủ sở hữu tàu chở dầu MV Wakashio, thừa nhận rằng con tàu dài 300 m đáng ra phải di chuyển cách bờ biển Mauritius - quốc đảo ở Ấn Độ Dương - 22 hải lý, nhưng thủy thủ đoàn đã lái con tàu vào cách bờ khoảng 2 hải lý để bắt tín hiệu điện thoại di động.

Con tàu dài 300 m mắc cạn trên rạn san hô nguyên sinh ngoài khơi Mauritius vào ngày 25/7 và gãy làm đôi vài ngày sau đó. Sự cố đã gây tràn hơn 1.000 tấn nhiên liệu xuống Ấn Độ Dương. Chính phủ Mauritius phải ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường tại khu vực ngập nước được bảo vệ có tầm quan trọng quốc tế.

Trong báo cáo được công bố hôm 18/12, MOL xác nhận thủy thủ đoàn đã sử dụng hải đồ không chính xác để xác định khoảng cách với bờ biển và độ sâu vùng nước xung quanh. Ngoài ra, thủy đoàn đã không theo dõi đầy đủ các tàu di chuyển trong khu vực bằng mắt thường và radar.

Su co tran dau anh 1

Vệt dầu loang từ tàu Wakashio khi nhìn từ trên cao. Ảnh: EMAE.

“Thủy thủ đoàn tàu Wakashio đã thực hiện hành vi không an toàn bắt nguồn từ sự tự tin thái quá vào kinh nghiệm đi biển của họ”, theo báo cáo của MOL.

Thuyền trưởng Sunil Kumar Nandeshwar - 58 tuổi, người Ấn Độ - và thuyền phó đang bị giam tại Mauritius, vì nghi ngờ sơ suất.

Việc khôi phục tuyến đường biển qua khu vực dự kiến được hoàn thành vào đầu năm 2021.

Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Đại học Temple, cơ sở ở Tokyo, Nhật Bản, cho biết tai nạn là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng phản ứng với công chúng là điều rất quan trọng.

“Tôi nghĩ Nhật Bản luôn cố gắng thể hiện hình ảnh rằng các công ty của họ luôn dẫn đầu thế giới khi nói đến sự an toàn và tuân thủ các nguyên tắc, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng”, ông Dujarric nói.

“Tình huống này đặt ra câu hỏi thủy thủ đoàn đến từ đâu. Họ có được đào tạo bài bản và dẫn dắt bởi các thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm hay không. Thủy thủ đoàn thường là người từ các nước đang phát triển, không được trả lương cao và giám sát đầy đủ”, ông Dujarric nói.

Nhật Bản cam kết hỗ trợ kỹ thuật để làm sạch môi trường và khôi phục nghề đánh bắt cá vào tháng tới. Tokyo đang xem xét khoản vay trị giá 290 triệu USD cho Mauritius để hỗ trợ quá trình khôi phục môi trường.

Công ty Nhật bồi thường 9,4 triệu USD vì thảm họa tràn dầu

Đơn vị vận hành con tàu gây thảm họa tràn dầu ngoài khơi Mauritius ngày 11/9 cam kết bồi thường ít nhất 9,4 triệu USD hỗ trợ khắc phục hậu quả.

Thuyền trưởng con tàu gãy đôi ở Ấn Độ Dương bị bắt

Mauritius bắt giữ thuyền trưởng của tàu Nhật mắc cạn ngoài khơi nước này và gây ra thảm họa tràn dầu thảm khốc nhất trong lịch sử quốc đảo Ấn Độ Dương.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm