Tàu nghìn tỷ: Không còn cách nào khác là bán sắt vụn
Theo ông Trịnh Thế Cường, trưởng phòng vận tải và dịch vụ hàng hải Cục Hàng hải Việt Nam, đối với tàu biển quá cũ, không còn nhu cầu khai thác không còn cách nào khác là phải phá dỡ.
"Cục Hàng hải VN đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng cho phép phá dỡ những con tàu thuộc sở hữu VN mang quốc tịch nước ngoài nhưng không còn khả năng khai thác, xuống cấp và nằm ụ quá lâu tại các cảng. Tuy nhiên còn đang chờ quyết định của Thủ tướng và Bộ GTVT", ông Cường cho biết thêm.
Việc phá dỡ tàu cũ bán sắt vụn hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn. Nhưng trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, nếu không phá dỡ thì không còn phương án nào khác.
Tàu Vinashin Atlantic neo tại phao số 0, Vũng Tàu từ năm 2009 đến nay. |
Cũng theo ông Cường, Cục Hàng hải đang nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước quốc tế Hong Kong về tái chế tàu biển an toàn và thân thiện môi trường 1992, kiến nghị sửa đổi Luật bảo vệ môi trường.
Điều quan trọng là tạo dựng hành lang pháp lý để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế theo quy định của pháp luật, tránh tạo ra tiền lệ lách luật mua tàu cũ, biến Việt Nam thành nơi chứa phế thải công nghiệp.
Theo Cục Hàng hải, đến cuối tháng 1/2013 có 41 tàu biển neo đậu tại các cảng VN (trong đó có 10 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài) không đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải.
Bên cạnh đó còn có 54 tàu biển thuộc sở hữu của các doanh nghiệp VN đang neo đậu dài ngày ở nước ngoài (chiếm 14% tổng tải trọng đội tàu VN, những tàu nội mang cờ nước ngoài là do quá tuổi quy định, không được phép đăng ký tại VN nên chủ tàu đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài để hoạt động - PV).
Trong đó có 12 tàu đang neo đậu ở nước ngoài dài ngày (gồm bảy tàu của Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines, chuyển từ Vinashin sang Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines) trong tình trạng không được chủ tàu cấp kinh phí duy trì đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải.
Theo Đất Việt