Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu ngầm tí hon tìm thấy bom nguyên tử mất tích của Mỹ

Sau 3 tháng tìm kiếm, tàu ngầm Alvin đã phát hiện quả bom nguyên tử của Mỹ mất tích ở Địa Trung Hải sau vụ tai nạn của "pháo đài bay" B-52 năm 1966.

Trong giới nghiên cứu đại dương, tàu ngầm Alvin là một trong những tên tuổi lẫy lừng. Nó từng phát hiện quả bom nguyên tử Mỹ “đánh rơi” ở Địa Trung Hải năm 1966, tham gia khảo sát xác tàu Titanic năm 1986, điều tra hậu quả vụ tràn dầu ở giàn khoan Deepwater Horizon năm 2010.

Tàu ngầm Alvin chính thức đảm trách sứ mệnh khám phá đại dương từ nửa thế kỷ trước. Dù khá cũ nhưng Viện Hải dương Học Woods Hole, đơn vị quản lý con tàu, cho biết Alvin đủ khả năng hoạt động thêm 50 năm.

Tàu ngầm tí hon Alvin là “chiến binh” tiên phong trong tham vọng nghiên cứu đại dương của nhân loại. Nó giúp Hải quân Mỹ giải mã nhiều bí ẩn trong suốt 50 năm qua. Trong sự kiện năm 1966, Alvin mất 3 tháng để tìm quả bom nguyên tử của Mỹ rơi ở Địa Trung Hải khi pháo đài bay B-52 va chạm với máy bay chở dầu khi di chuyển qua không phận Tây Ban Nha. Alvin tìm thấy quả bom chưa nổ dưới nước trước khi tàu chuyên dụng trục vớt nó.

Tuy nhiên, sự nghiệp khám phá đại dương của Alvin không chỉ có những thành tựu. Năm 1968, con tàu đắm trong một lần khám phá đại dương. Nó nằm dưới đáy biển một năm trước khi người ta trục vớt tàu.

Quá trình sửa chữa Alvin kéo dài trong hai năm. Tới tháng 5/1971, Hải quân Mỹ đưa con tàu trở lại khám phá đại dương.

Tháng 7/1986, con tàu đảm trách nhiệm vụ đánh giá hiện trạng xác tàu RMS Titanic, con tàu huyền thoại từng được mệnh danh là không thể chìm. Nó thực hiện 12 lần lặn để các nhà nghiên cứu đánh giá tình trạng của con tàu huyền thoại sau hơn nửa thế kỷ chìm dưới nước.

Trong hành trình khám phá Titanic, Alvin lần đầu phóng tàu lặn tí hon điều khiển từ xa để tiến sâu hơn vào trong xác tàu khổng lồ.

Sau nhiều lần nâng cấp, Alvin đang được trang bị những công nghệ khám phá đại dương tối tân của Mỹ. Ngoài hệ thống máy quay và cảm biến, tàu còn được trang bị cánh tay máy, giúp các nhà khoa học dễ dàng nghiên cứu đáy biển.

Khoang lái hiện đại của con tàu.

Tàu chuyên dụng chuẩn bị đưa Alvin xuống nước. Tàu dễ dàng hoạt động ở độ sâu 4.500 m so với mực nước biển.

Hồng Duy

Ảnh: CNN

Bạn có thể quan tâm