Theo Daily Beast, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Triều Tiên được đóng mới trong giai đoạn trước năm 2010. Tàu được cho là phiên bản cải tiến của mẫu tàu ngầm Yugoslavian, ra đời từ giữa những năm 1970.
Với chiều dài khoảng 67 m và tải trọng choán nước 1.500 tấn, con tàu này lạc hậu và nhỏ hơn rất nhiều so với tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân hiện hành của Nga và Mỹ, thường dài hơn 200 m với tải trọng choán nước 18.000 tấn.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm được hãng thông tấn Triều Tiên công bố ngày 24/4. Ảnh: KCNA
|
Pongdae, lớp tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, được đặt theo tên của nhà máy đóng tàu. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo tàu ngầm lớp Pongdae an toàn hơn các tàu ngầm khác của Bình Nhưỡng. Truyền thông Hàn Quốc và phương Tây gần đây cho biết một số tàu ngầm Triều Tiên mất tích và có thể đã chìm khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong tháng 3.
The Daily Beast dẫn lời Eric Wertheim, chuyên gia phân tích độc lập của Hải quân Mỹ - tác giả cuốn “Các hạm đội chiến đấu trên thế giới”, tuyên bố: “Tôi chắc chắn không muốn bước lên một tàu ngầm của Triều Tiên. Chúng không phải phương án an toàn nhất khi lặn xuống nước”.
Trang tin của Mỹ cũng đặt ra nghi vấn về tên lửa đạn đạo trang bị trên tàu ngầm Triều Tiên. Họ dẫn chứng là tên lửa đạn đạo liên lục địa Trident phóng từ tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Để đưa mẫu tên lửa có khả năng vượt 11.000 km, trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân vào hoạt động, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm trên 100 lần.
Trong khi đó, các quan chức Hàn Quốc cho biết, tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm trong tháng 4 chỉ bay được 30 km trước khi lao xuống biển. Bốn năm trước, một phiên bản thử nghiệm được phóng trên đất liền nổ vài giây sau đó. Với những lệnh cấm vận hiện hành, Triều Tiên cần thêm nhiều thời gian để có lần thử nghiệm tiếp theo.
Triều Tiên thử bom nguyên tử lần đầu năm 2006. Tính tới năm 2016, Bình Nhưỡng đã 4 lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân, bao gồm một lần thử bom H. Các nhà khoa học Triều Tiên đang nỗ lực thu nhỏ vũ khí thành đầu đạn và đặt chúng lên đầu tên lửa. Bên cạnh đó, tên lửa mà Bình Nhưỡng thử nghiệm cũng có phạm vi ngày càng lớn hơn. Trong thử nghiệm hồi tháng 3, tên lửa Triều Tiên được cho là đủ khả năng tấn công Nhật Bản.
Sở hữu tàu ngầm có thể phóng tên lửa hạt nhân mang lại cho Triều Tiên nhiều lợi thế. Việc dò tìm và tiêu diệt tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân khó hơn rất nhiều so với phá hủy bệ phóng trên mặt đất. Nó cũng tạo ra cho Triều Tiên nhiều lựa chọn để tấn công bất ngờ hơn, yếu tố quan trọng trong chiến lược của Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh hiện tại, vũ khí thông thường không đủ giúp Triều Tiên giành lợi thế trước Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Họ cần vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe. The Daily Beast tin rằng, Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị ép buộc. Tuy nhiên, phổ biến hạt nhân ở Triều Tiên trở nên nguy hiểm vì tiêu chuẩn bình thường của thế giới không được áp dụng với Bình Nhưỡng. Đây là ngọn nguồn của những ẩn họa khôn lường.