Một tàu ngầm hạt nhân lớp Shark của Hải quân Nga. Ảnh: AFP |
Xưởng đóng tàu Zvezdochka ở thành phố Severodvinsk thuộc miền bắc nước Nga thông báo hôm 11/3 rằng họ sẽ tháo hệ thống tên lửa của tàu ngầm Arkhangelsk TK-17. Thuộc lớp tàu ngầm Shark (hay Typhoon theo định danh của NATO), nó là tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi sẽ tháo các tấm che ống phóng tên lửa trên tàu ngầm và niêm phong chúng để tàu ngầm không thể bắn tên lửa”, RT dẫn thông báo từ bộ phận quan hệ báo chí của xưởng Zvezdochka xác nhận. Tuy nhiên, thời điểm quá trình tháo dỡ sẽ diễn ra chưa được tiết lộ.
Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nga (Rosatom) ước tính chi phí dỡ hệ thống tên lửa có thể lên tới 28 triệu ruble (khoảng 400.000 USD).
Tàu ngầm Arkhangelsk TK-17 được thiết kế vào năm 1987 theo Dự án 941. Đây là dự án nhằm trang bị tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân và mang tên lửa đạn đạo cho Hải quân Liên Xô cũ. Nhờ dự án, lớp tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới đã ra đời. Tàu có thể chứa 179 người và mang 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Vì sử dụng năng lượng hạt nhân, chúng có thể hoạt động liên tục nhiều tháng dưới biển.
Hải quân Nga đã tháo rời 3 trong số 6 tàu ngầm thuộc lớp Shark tại xưởng Zvezdochka. Trong số 3 tàu ngầm còn lại, Moscow sẽ tháo Arkhangelsk và Severstal, nhưng vừa nâng cấp Dmitri Donskoi để nó thực hiện những vụ thử tên lửa Bulava trên biển.
Điện Kremlin và Nhà Trắng ký Hiệp ước START mới nhằm giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Thỏa thuận, có hiệu lực vào năm 2011, thay thế Hiệp định START mà hai nước ký vào năm 1991.