Đại tá Trần Thanh Nghiêm - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu ngầm 189 xác nhận thông tin trên và cho biết đây là chiếc thứ 5 trong hợp đồng đóng 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka 636.1 (kilo), được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến ký với ông Anatoliy Isaykin, Tổng giám đốc hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport ngày 15/12/2009.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Vinh - thuyền trưởng tàu ngầm Đà Nẵng cho biết thêm, hiện công tác chuẩn bị đưa tàu về Việt Nam đã hoàn tất.
Tàu vận tải Rolldock Star vận chuyển tàu ngầm. Ảnh: Tập đoàn Rolldock |
Cán bộ, chiến sĩ của tàu cũng đã hoàn tất công tác huấn luyện, sẵn sàng làm chủ phương tiện và khí tài để đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. "Nếu không có gì thay đổi thì cuối tháng 1, tàu ngầm Đà Nẵng sẽ về đến cảng Cam Ranh và chính thức đưa vào hoạt động", ông Vinh cho biết.
Theo thông tin của Nhà máy Admiralty, tàu ngầm Kilo 636.1 thuộc thế hệ thứ 3, chạy bằng động cơ điện - diesel. Tàu dài 74 m, ngang rộng nhất 10 m, lượng giãn nước 3.950 tấn khi lặn, tốc độ 20 knot (37 km/giờ), lặn sâu 240 - 300 m, thủy thủ đoàn 52 người.
Tàu có 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm, vũ trang ngư lôi (18 quả), mìn biển (24 quả), tên lửa hành trình diệt hạm Klub-S (Kalibr, 4 quả) có thể tấn công cả mục tiêu trên đất liền. Tàu có thể hoạt động liên tục 45 ngày trên biển.
Tháng 8/2015 tại Quân cảng Lữ đoàn 189, căn cứ Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức lễ thượng cờ 2 tàu ngầm Kilo 636 mang tên 184 Hải Phòng và 185 Khánh Hòa. Trước đó, HQ-182 Hà Nội - chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên, đã được tàu Rolldock Sea vận chuyển về Cam Ranh vào 31/12/2013. Còn chiếc thứ hai mang tên HQ-183 TP Hồ Chí Minh do tàu Rolldock Star vận chuyển về Việt Nam vào ngày 19/3/2014.
Tàu ngầm điện - diesel lớp Varshavyanka 636.1 thuộc thế hệ thứ ba, trang bị tên lửa chống hạm giúp tăng khả năng tấn công từ xa, bên cạnh thủy lôi và mìn biển. Tàu có lượng giãn nước 3.000 - 3.950 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300 m, thủy thủ đoàn 52 người. Khi hoạt động trên biển, tàu chạy rất êm, khó phát hiện nên được mệnh danh là “hố đen” trong lòng đại dương.