Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu ngầm Kilo: Vũ khí phòng thủ chủ động uy lực nhất VN

Tàu ngầm Kilo thứ 3 của Việt Nam mang số hiệu HQ-184 Hải Phòng đã về đến cảng Cam Ranh, đánh dấu cột mốc lực lượng tàu ngầm Việt Nam chính thức sở hữu khả năng tác chiến.

4 vũ khí hiện đại nhất của quân đội Việt Nam

Su-30MK2, tổ hợp S-300 PMU, tàu Gepard 3.9, tàu ngầm Kilo 636 là những vũ khí góp phần hiện đại hóa quân đội và tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam đã sở hữu 3 tàu ngầm Kilo 636

Vào lúc 18h50 ngày 28/1, chiếc thứ 3 trong loạt 6 tàu ngầm dự án 636 lớp Varshavyanka (định danh NATO là Kilo) của Hải quân Việt Nam, mang số hiệu HQ-184 Hải Phòng đã được tàu vận tải siêu trường siêu trọng Rolldock Star đưa về đến vịnh Cam Ranh và neo cạnh bãi Tàu Bể phía ngoài Mũi Hời.

Sáng 31/1, con tàu rời khỏi tàu vận tải Rolldock Star và được các tàu hộ tống Hải quân lai dắt cập quân cảng Cam Ranh, căn cứ tàu ngầm của Việt Nam vào trưa cùng ngày. Trong một vài ngày tới, tàu ngầm Hải Phòng tiếp tục làm công tác chuẩn bị, kiểm tra tình trạng kỹ thuật để được ký kết bàn giao.

Trong biên chế Quân chủng Hải quân của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chiếc tàu ngầm mới sẽ có tên "Hải Phòng". Trước đó, hai “đàn anh” của nó là các tàu ngầm HQ-182 "Hà Nội" và HQ-183 "TP Hồ Chí Minh" đã gia nhập biên chế Hải quân Việt Nam hồi tháng 4 năm ngoái.

Việc sở hữu chiếc tàu ngầm thứ 3 đánh dấu cột mốc lực lượng tàu ngầm Việt Nam chính thức sở hữu khả năng tác chiến.

Bởi vì, thông thường trong một năm, tổng thời gian hoạt động của các tàu ngầm chỉ từ 4-5 tháng, thời gian còn lại nó phải cập bờ để bảo dưỡng kỹ thuật và cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi. Vì vậy, mỗi biên đội tàu ngầm Kilo phải có ít nhất từ 3 chiếc trở lên, trong đó một chiếc hoạt động tuần tiễu, một chiếc làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và một chiếc bảo dưỡng, duy tu tại cảng và chăm sóc sức khỏe cho đoàn thủy thủ.

Cận cảnh tàu ngầm Hải Phòng chuẩn bị vào quân cảng Cam Ranh

Vào 7h50 ngày 29/1, tàu hàng Rolldock Star đã mở phần đuôi, bắt đầu lai dắt tàu ngầm Kilo HQ-184 Hải Phòng vào Lữ đoàn tàu ngầm 189, cảng Cam Ranh.

Những người lính tàu ngầm Việt Nam đã có cơ hội làm quen với các tàu ngầm "Hải Phòng", "Hà Nội" và "TP Hồ Chí Minh" từ khi tàu nằm tại nhà máy sản xuất ở St. Petersburg. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam còn được thực hành trên bờ và năm lần ra biển. Sau khi về đến Việt Nam, công tác huấn luyện tiếp tục được triển khai ở căn cứ tàu ngầm Cam Ranh.

Tại đây, các chuyên gia Nga xây dựng một trung tâm đào tạo với thiết bị và chương trình cho phép mô phỏng bất kỳ tình huống, những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra với tàu ngầm và thủy thủ đoàn 52 người trong hành trình làm nhiệm vụ, đặc biệt là trong thời gian hoạt động liên tục dưới đáy biển một tháng rưỡi.

Chuyên gia quân sự Nga Victor Litovkin nhấn mạnh, các chiến hạm mặt nước thường dễ bị theo dõi, trong khi đó, một tàu ngầm lặn ở độ sâu 50 mét hoặc sâu hơn là rất khó có thể phát hiện bằng máy bay cũng như từ vũ trụ. Trong khi đó, các tàu ngầm Nga đóng cho Việt Nam có khả năng lặn sâu tới 300 m,

Ưu điểm của tàu Kilo so với các tàu ngầm trên thế giới là tốc độ cao (lên tới 37 km/h), độ ồn thấp, rất khó bị các phương tiện thủy âm phát hiện. Không phải ngẫu nhiên mà giới chuyên gia phương Tây đã gọi tàu ngầm Kilo là những "hố đen trong đại dương" (Black Hole).

Vai trò của Kilo trong lực lượng hải quân Việt Nam

Theo chuyên gia quân sự Victor Litovkin, sự hiện diện của hạm đội tàu ngầm là yếu tố quan trọng, khiến không một nước nào có thể dễ dàng uy hiếp đến chủ quyền an ninh biển đảo của Việt Nam.

Sở hữu 6 tàu ngầm Kilo sẽ nâng cao sức mạnh tác chiến cho hải quân Việt Nam.

Đối với Việt Nam, thành lập binh chủng tàu ngầm là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chất dài hạn trong chiến lược quân sự của đất nước, bởi đối với bất kỳ một quốc gia biển nào, nếu không có một hạm đội, đặc biệt là các tàu ngầm, đều sẽ đặt nền an ninh quốc gia trước mối đe dọa nghiêm trọng.

Vị chuyên gia quân sự Nga cho rằng, không dễ để đánh giá hết vai trò quan trọng của các tàu ngầm này đối với Việt Nam. Bởi cùng với các tàu mặt nước, lực lượng hải quân của chúng ta có thể bảo vệ hiệu quả chủ quyền lãnh hải, vùng biển ven bờ, các giàn khoan dầu và hải đảo của mình.

Một hạm đội hải quân được coi là thực sự hùng mạnh chỉ khi sở hữu cả tàu nổi và tầu ngầm. Các tàu ngầm do Nga chế tạo là mạnh nhất trong các tàu ngầm thông thường trên thế giới, nhờ được trang bị ngư lôi, thủy lôi và tổ hợp tên lửa Club-S uy lực nhất thế giới hiện nay.

Ngoài tên lửa ngầm đối hạm 3M-54E, có tầm phóng lên đến 220 km, tàu ngầm Kilo 663MV của Việt Nam được trang bị tên lửa hành trình đối đất 3M-14E, có tầm bắn lên tới 290km - một lợi khí mà ngay cả các tàu ngầm thông thường hiện đại nhất của Trung Quốc cũng không có được.

Tên lửa tấn công mặt đất rất uy lực 3M-14E trên tàu ngầm Kilo.

Đây là loại tên lửa tấn công mặt đất tiên tiến nhất của Nga, một đòn tiến công tàng hình cực kỳ lợi hại từ dưới mặt nước, rất khó bị phát hiện và đánh chặn. Loại tên lửa này sẽ là vũ khí quan trọng của hải quân Việt Nam trong hình thái “phòng thủ chủ động”, tức là phòng thủ từ xa.

Tàu ngầm Kilo với hành trình tối đa khoảng 9.600 km, sẽ có khả năng tiếp cận tấn công các căn cứ hải quân, các điểm tập kết binh lực, kho tàng, bến bãi; tiêu diệt và phá hủy hoặc làm tổn thất nặng nề quá trình chuẩn bị lực lượng tấn công của đối phương, giúp ta có thời gian chuẩn bị lực lượng và phương án đối phó hữu hiệu.

Ngoài ra, nó còn có khả năng phá hủy các công sự trận địa kiên cố trên đảo, hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng đổ bộ và nhiều nhiệm vụ khác.

Việc hoàn thành hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm cho Việt Nam được Nga dự kiến vào năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã từng phát biểu, dự án không chỉ mang tính thương mại mà còn là biểu hiện rõ nét của tình hữu nghị, sự tin cậy giữa Việt Nam và Nga.

http://www.anninhthudo.vn/quan-su/tau-ngam-kilo-vu-khi-phong-thu-chu-dong-uy-luc-nhat-viet-nam/594571.antd

Theo Nguyễn Ngọc/An ninh thủ đô

Bạn có thể quan tâm