Số tàu cá Triều Tiên dạt vào bờ biển phía bắc Nhật Bản năm 2017 nhiều chưa từng thấy. Hơn 100 tàu với 35 thi thể được phát hiện. Một năm trước đó, số "tàu ma" dạt đến từ bờ bên kia biển Nhật Bản là 66.
Không ai lý giải được hiện tượng kỳ lạ này. Một quan chức lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản nghi thời tiết xấu năm đó là nguyên nhân. Vài ý kiến cho rằng đội tàu cá của Triều Tiên đã quá cũ.
Trong một nghiên cứu được công bố tuần này của tổ chức phi lợi nhuận Global Fishing Watch, các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân của hiện tượng "tàu ma" Triều Tiên là "những đội tàu cá đen" của Trung Quốc.
Mất ngư trường truyền thống
Các tác giả báo cáo của Global Fishing Watch sử dụng công nghệ vệ tinh để phân tích lưu thông hàng hải tại Đông Bắc Á năm 2017 và 2018. Họ phát hiện đã có hàng trăm tàu cá Trung Quốc hoạt động ngoài khơi Triều Tiên trong giai đoạn này.
Tàu cá Trung Quốc có vẻ đã hoạt động bất hợp pháp, đẩy các tàu cá Triều Tiên ra khỏi chính ngư trường truyền thống của họ. Tàu Triều Tiên được đánh giá là không có trang bị đầy đủ cho những chuyến hải trình dài, nhưng buộc phải rời xa vùng biển quen thuộc để tiến vào những khu vực xa hơn gần Nga và Nhật Bản.
Đánh bắt cá trong vùng biển của Triều Tiên, hoặc mua bán hải sản Triều Tiên xuyên quốc gia, là hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế. Ngư nghiệp Triều Tiên, với giá trị hàng năm ước tính khoảng 300 triệu USD, bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt quốc tế từ năm 2017. Đây là nỗ lực nhằm gây sức ép lên chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên theo đuổi.
Tuy nhiên, trong năm 2017, vẫn có khoảng 900 tàu cá Trung Quốc hoạt động trên vùng biển Triều Tiên. Con số này trong năm 2018 còn 700 tàu, theo báo cáo của Global Fishing Watch.
Tàu câu mực của Triều Tiên hoạt động trên vùng biển ngoài khơi vùng Viễn Đông của Nga vào năm 2018. Ảnh: Seung Ho Lee. |
Các tác giả báo cáo cho rằng tàu cá Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2018 đã khai thác hơn 160.000 m3 "mực bay" Thái Bình Dương (một loài mực ống đại dương có tên khoa học là Todarodes pacificus và là một trong những đặc sản giá trị thương phẩm cao của vùng biển). Con số này lớn hơn cả tổng sản lượng Hàn Quốc và Nhật Bản khai thác trong cùng kỳ. Giá trị khai thác của đội tàu cá Trung Quốc có thể hơn 440 triệu USD.
Có khả năng Bình Nhưỡng đã thu lại được một phần giá trị tài nguyên bằng cách bán quyền khai thác cho các tổ chức nước ngoài, trong trường hợp này là những đội tàu cá Trung Quốc. Báo cáo vào tháng 3 của Liên Hợp Quốc ước tính Triều Tiên đã thu về khoảng 120 triệu USD trong năm 2018 bằng cách bán hoặc chuyển đổi quyền đánh bắt hải sản, vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
"Hạm đội" tàu cá trên biển Triều Tiên
Jaeyoon Park, nhà khoa học dữ liệu cấp cao của Global Fishing Watch và là đồng tác giả của báo cáo tuần qua, đánh giá số tàu cá được phát hiện ngoài khơi Triều Tiên tương đương 1/3 quy mô toàn bộ đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc.
"Đây là vụ đánh bắt cá trái phép lớn nhất từ trước đến nay với tàu cá đến từ một nước duy nhất trên vùng biển của nước khác", ông nói.
Với quá nhiều tàu cá nước ngoài hoạt động gần bờ biển Triều Tiên, ngư dân chính nước "chủ nhà" đã bị đẩy khỏi ngư trường này. Họ buộc phải di chuyển xa hơn với hy vọng có thu hoạch. Hệ quả đôi khi là cái chết.
"Quá nguy hiểm nếu họ khai thác trong cùng vùng biển với tàu cá Trung Quốc", Jungsam Lee, một tác giả khác của báo cáo, chia sẻ. "Đó là lý do họ bị đẩy đến vùng biển của Nga và Nhật Bản. Điều này cũng lý giải vì sao một số tàu Triều Tiên bị hư hại đã dạt vào bờ biển Nhật Bản".
Ông Park và một số chuyên gia khác truy dấu được hải trình của những tàu cá này bằng công nghệ vệ tinh và radar mới. Một số tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận đang tận dụng nguồn dữ liệu mới để phân tích giao thông hàng hải với hy vọng làm sáng tỏ hơn "thế giới ngầm" trên biển - cách thức các tàu cá né lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo Global Fishing Watch, những tàu đánh bắt hải sản trái phép trên biển Triều Tiên có thể được sở hữu và vận hành bởi "lợi ích của Trung Quốc" vì đó cũng là nơi chúng xuất phát. Tuy nhiên, tàu hoạt động trái phép trong vùng biển này - từ vận chuyển hàng hóa đến đánh bắt cá và nạo vét cát - thường không có đủ giấy tờ đúng chuẩn. Điều đó khiến việc truy vết vô cùng khó khăn.
Tàu cá Trung Quốc tránh bão tại cảng Sadong, trên đảo Ulleung, Hàn Quốc vào tháng 11/2017. Ảnh: Trạm Khoa học Hải dương Ulleungdo-Dokdo. |
Đe dọa trữ lượng hải sản
Những vùng biển tại Đông Bắc Á là một trong các khu vực tranh chấp nghề cá phức tạp và gay gắt nhất trên thế giới. Giữa Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đều tồn tại một số tranh chấp lãnh hải nhất định.
Trữ lượng cá trong vùng cũng sụt giảm đáng kể trong vài năm qua. Trữ lượng mực bay Thái Bình Dương giảm gần 80% trong vùng biển Hàn Quốc và 82% trong vùng biển Nhật Bản so với năm 2003, theo Global Fishing Watch.
"Ngư dân và gia đình họ điêu đứng khi thu nhập rơi tự do. Trong khi đó, giới học giả cũng đau đầu tìm nguyên nhân cho hiện tượng này. Nhiều người nói đánh bắt vượt kiểm soát là nguyên nhân chính. Một số khác lập luận biến đổi khí hậu đã góp phần dẫn đến tình trạng trên. Nhiệt độ nước biển thay đổi ảnh hưởng đến mô hình sinh sản và di cư (của hải sản)", ông Park chia sẻ.
Ngư nghiệp bền vững là vấn đề lớn trên toàn thế giới. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và kinh tế của các cộng đồng duyên hải, vốn sống dựa vào ngư nghiệp. Tình trạng hết hải sản để đánh bắt cũng góp phần khiến nạn cướp biển gia tăng, điển hình là trường hợp của Somalia.
"Thiếu hợp tác đa phương và chia sẻ thông tin giữa tất cả quốc gia có liên quan đến hoạt động đánh bắt cá xuyên biên giới khiến việc lên kế hoạch quản lý trữ lượng một cách khoa học cho vùng trở nên bất khả thi", Park nhận định.