Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tàu Hải quân đa nhiệm Hoàng gia Anh và tàu tên lửa Việt Nam luyện tập

Tàu tên lửa 378 thuộc Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân) đã tham gia luyện tập chung với tàu tuần tra xa bờ của Hải quân Hoàng gia Anh mang tên HMS Spey, số hiệu P234.

Ngày 11/2, tàu tên lửa 378 thuộc Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân) do trung tá Nguyễn Đức Thiện - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 167 chỉ huy đã tham gia luyện tập chung với tàu tuần tra xa bờ của Hải quân Hoàng gia Anh mang tên HMS Spey, số hiệu P234, do trung tá thuyền trưởng Michael Proudman chỉ huy.

Theo Vùng 2 Hải quân, quá trình huấn luyện, hai bên đã luyện tập chung vận động đội hình; thực hiện thủ tục chào nhau trên biển, trao đổi thông tin; luyện tập thông tin tín hiệu quốc tế và thực hiện bộ quy tắc ứng xử cho cuộc gặp bất ngờ trên biển của hải quân các nước Tây Thái Bình Dương (CUES).

hai quan tap tran anh 1

Hải quân Việt Nam tiếp đón sĩ quan và thủy thủ tàu HMS Spey.

Trước đó, từ ngày 7/2 đến 11/2, tàu HMS Spey đã cập cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, TP.HCM. Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tổ chức lễ đón tiếp và tổ chức các hoạt động giao lưu bóng đá với các sĩ quan và thủy thủ tàu Hải quân Hoàng gia Anh. Lữ đoàn 167 cũng cử đoàn công tác tới thăm, trao đổi và thống nhất kế hoạch, phương án luyện tập chung giữa 2 bên, đồng thời tham quan, trao đổi chuyên môn về y học Hải quân trên tàu HMS Spey.

Tàu HMS Spey là tàu tuần tra xa bờ thuộc lớp River thế hệ 2 của Hải quân Hoàng gia Anh, được thiết kế thực hiện các hoạt động đa nhiệm trên biển như bảo đảm an ninh hàng hải khu vực ven biển và cứu trợ thiên tai. Tàu có trọng tải 2.000 tấn, dài 90,5 m, tốc độ tối đa 25 hải lý/h với tầm hoạt động hơn 5.000 hải lý. HMS Spey có sàn đáp 20 m phục vụ hạ cánh và tiếp nhiên liệu cho một chiếc trực thăng cỡ trung bình và sử dụng hai chiếc thuyền đi biển bơm hơi thân cứng.

hai quan tap tran anh 2

Tàu HMS Spey luyện tập đội hình hàng ngang trong quá trình huấn luyện chung với Hải quân Việt Nam.

Cùng với một chiếc tàu khác của Hải quân Hoàng gia Anh là HMS Tamar, HMS Spey đang triển khai nhiệm vụ kéo dài 5 năm tại khu vực biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Làm việc cùng với các đối tác và đồng minh, HMS Spey đang giúp giải quyết các thách thức an ninh và hỗ trợ các quốc gia giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Trong các cuộc tuần tra gần đây, HMS Spey cũng đã triển khai thực hiện những biện pháp nhằm chống đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo trong khu vực.

HMS Spey là tàu Hải quân Hoàng gia Anh thứ tư được cử đến Việt Nam trong vòng 5 năm qua - là minh chứng mạnh mẽ cho việc Vương quốc Anh là một trong những đối tác lâu dài của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải.

“Thông qua việc luyện tập chung trên biển, nhất là các quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển sẽ hạn chế được sự can thiệp lẫn nhau, tránh xảy ra va chạm ngoài ý muốn, tạo điều kiện thuận lợi cho thông tin liên lạc khi tàu Hải quân Việt Nam gặp tàu Hải quân Hoàng gia Anh trong trường hợp không được báo trước, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Hải quân hai nước”, trung tá Nguyễn Đức Thiện - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 167 nói.

hai quan tap tran anh 3

Tàu tên lửa 378 luyện tập trên biển trong quá trình huấn luyện chung.

Trung tá Michael Proudman - Chỉ huy tàu HMS Spey, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được đến thăm TP.HCM và tham gia các hoạt động cùng với Hải quân Việt Nam. Đây không những là cơ hội để chúng tôi tăng cường hợp tác với Hải quân Việt Nam mà còn nhấn mạnh cam kết không ngừng của Vương quốc Anh trong việc thúc đẩy ổn định và an ninh toàn cầu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Chuyến thăm của tàu HMS Spey diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh - Việt Nam. Cột mốc này đánh dấu nửa thế kỷ quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, trong đó hợp tác về an ninh, quốc phòng đang ngày càng được củng cố và phát triển. Thông qua luyện tập chung giữa tàu 378 và tàu P234 đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Quân đội 2 nước nói chung và Hải quân hai nước nói riêng.

Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, do tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, nói về lịch sử xác lập, thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

Biên đội tàu huấn luyện Nhật Bản cập cảng Tiên Sa

Chuyến thăm nhằm thúc đẩy giao lưu hiểu biết lẫn nhau giữa Hải quân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản cũng như quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

https://tienphong.vn/tau-hai-quan-da-nhiem-hoang-gia-anh-va-tau-ten-lua-viet-nam-luyen-tap-chung-post1509253.tpo

Nguyễn Minh - Văn Đường/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm