Ngày 29/10, toa tàu mẫu của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội đã được trưng bày tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) để lấy ý kiến người dân. Trong hàng trăm chia sẻ gửi về Zing.vn, phần lớn cho rằng mẫu tàu chưa được đẹp mắt do thiết kế và màu sắc.
"Chưa được xem tận nơi, nhưng qua hình ảnh trên báo tôi thấy mẫu mã bên ngoài chưa được đẹp, nhìn như xe bus", đó là cảm nhận của Đình Toàn.
Độc giả này viết: "Màu sơn xanh lá của tàu như mẫu trưng bày khi quá bình thường, không đẹp mắt. Khi ra nắng sẽ rất nhanh bạc màu, mau cũ trong thời gian rất ngắn. Ngoài ra lớp sơn bên ngoài nhìn có vẻ không được sắc nét, kém tinh tế".
Nhiều bạn đọc chung ý kiến toa tàu nên chuyển sang màu trắng sữa, trắng bạc vì màu này rất lâu phai. Trên nền trắng kèm với các viền trang trí màu vàng, hoặc đỏ cờ sẽ sang trọng và nổi bật hơn. Tàu cũng không nên sơn bóng mà dùng sơn lỳ để chắc chắn, bền màu.
Một số người còn cho rằng tàu không chỉ sơn bình thường mà cần khoác lên màu sắc nghệ thuật để không đơn điệu do đây là tuyến đường sắt đô thị trên cao chứ không phải tàu điện ngầm. "Một số tuyến đường trung tâm Hà Nội được trang trí bằng gốm nghệ thuật, vậy tại sao toa tàu không trang trí bằng những hình ảnh nghệ thuật để sống động hơn", độc giả Tô Hoàng đề xuất.
Về hình thức bên ngoài, logo biểu tượng Khuê Văn Các trước đầu tàu được góp ý nên sử dụng logo nổi, loại 3D. Dòng chữ trước đầu tàu (Cát Linh Hà Đông) nên giãn chữ, to hơn, để chữ “Đông” nằm hẳn vào cánh cửa thì hợp lý hơn.
Toa tàu rộng khoảng 2,8 mét, bố trí 6 ghế dài, 2 hàng cột cong về phía giữa toa, dọc theo lối đi giúp hành khách đứng bám ổn định khi đông. Hai đầu của toa xe bố trí khu vực dành cho xe lăn, ghế ngồi ưu tiên (màu vàng). |
Thiết kế đầu tàu cũng không nhận được sự thiện cảm do thiếu thanh thoát. Nhiều người cho rằng, đầu tàu cần có đột phá hơn trong thiết kế, đầu tàu nên vát nhọn giống tàu cao tốc để trông hiện đại. "Có thể mẫu tàu đường sắt trên cao, chỉ chạy với tốc độ 40 km/h, trong tầm 1-2 km là dừng nên không cần thiết kế kiểu "mũi đạn" để cản gió, nhưng hình thức là khá quan trọng", độc giả Nguyễn Khoa đưa ra quan điểm.
Tuy nhiên, một số bạn đọc chia sẻ do hình ảnh tàu cao tốc "ăn sâu" vào suy nghĩ của nhiều người nên chê thiết kế này. Thực tế, các nước trên thế giới đều có chung mẫu tương tự, thậm chí tàu ở Hàn Quốc còn vuông hơn mẫu Việt Nam.
Phía bên trong nội thất tàu nhận được nhiều khen ngợi với màu sắc sáng - sạch và chất liệu đảm bảo đẹp và vệ sinh. "Tôi đã từng đi tàu điện ngầm ở nước ngoài, tôi thấy nội thất bên trong là tạm ổn và giống với hầu hết các loại tàu hiện có trên thế giới", Quang Lý nhận xét.
Đóng góp của độc giả Zing.vn là trong các toa tàu cần lắp đặt thêm hệ thống camera an ninh để ngăn chặn nạn mọc túi cũng như góp phần nâng cao tính tự giác của người đi tàu.
"Việc trưng bày mẫu tàu điện để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đã thể hiện được tinh thần cầu thị của ngành đường sắt. Tuy nhiên, nếu ngành giao thông có thêm một mẫu nữa để người dân so sánh và đánh giá sẽ càng tốt hơn", độc giả Nam Bình chia sẻ.
Lý giải về màu xanh của tàu điện Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho biết, màu của đoàn tàu được lựa chọn dựa trên ý tưởng giao thông xanh ở Hà Nội, đồng thời màu được chọn có ý nghĩa yêu chuộng hòa bình.
Vỏ tàu được thiết kế bằng vật liệu inox để đảm bảo chống gỉ trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ẩm ướt ở Hà Nội.
Còn ông Lê Kim Thành - Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt chia sẻ, đây là tàu điện nên đầu tàu được thiết kế vuông thay vì con thoi như tàu cao tốc ở Nhật Bản hay các nước phương Tây. Khi xảy ra sự cố, đầu tàu này có một không gian đủ để người dân thoát hiểm.
Vị Tổng Giám đốc nói: "Tất cả các đoàn tàu nhẹ đều được thiết kế giống nhau từ hình dáng thiết kế động học, ghế ngồi đáp ứng an toàn cho người vận hành và sử dụng để đạt tiêu chuẩn của châu Âu và châu Mỹ".
Ban quản lý sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp của người dân trong vòng một tháng qua phiếu đánh giá được soạn sẵn. Sau đó, lãnh đạo ban sẽ họp đánh giá, xem xét và đề xuất sửa đổi, bổ sung thiết kế.