Nhiều người cao tuổi ở thủ đô chưa từng được sử dụng tàu điện trên cao - loại phương tiện vận tải công cộng vốn không còn xa lạ đối với thế giới.
Hàng trăm người dân tập trung trước cửa nhà A1 Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) ngay từ 7h sáng để tham quan toa tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Mỗi người được phát một tờ giấy để đóng góp ý kiến và nhận xét về tàu.
Lần lượt từng đoàn người được lên tàu. Chủ yếu là các vị khách cao tuổi, vắng bóng giới trẻ.
Ông Nguyễn Tiến Năng (Giảng Võ) viết, về cơ bản tàu thiết kế đẹp, ghế ngồi rộng, tay cầm chắc.
Trong số họ, không phải ai cũng từng được trải nghiệm đi trên phương tiện giao thông công cộng hiện đại này ở các nước phát triển.
Tàu mẫu được trình bày tại vị trí sân trước nhà A1, khu vực cạnh đài phun nước của trung tâm.
Tàu điện do Trung Quốc sản xuất được sơn màu xanh, phần đầu vát, có dòng chữ Cát Linh – Hà Đông và biểu tượng Khuê Văn Các của Hà Nội.
Đây là đầu tàu mẫu trong số 13 đoàn tàu mà Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) dự kiến mua cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Mỗi đoàn tàu dài 79 mét với 4 toa, trong đó 2 cabin lái nằm ở 2 phía, giữa là 2 toa xe động lực có động cơ.
Mỗi toa có 8 cửa lên xuống rộng 1,3 mét dành cho khách ở cả 2 phía thân tàu.
Toa tàu rộng khoảng 2,8 mét, bố trí 6 ghế dài, 2 hàng cột cong về phía giữa toa, dọc theo lối đi giúp hành khách đứng bám ổn định khi đông. Hai đầu của toa xe bố trí khu vực dành cho xe lăn, ghế ngồi ưu tiên (màu vàng).
Mỗi dãy trên tàu bố trí 3 ghế dài.
Ghế làm bằng composite độ bền cao, dễ vệ sinh, tránh cảm giác lạnh khi ngồi.
Trong toa có bản đồ dạng đèn LED bố trí phía trên các cửa lên xuống, hiển thị thông tin cho hành khách đi tàu (ga sắp đến, ga đang dừng, bản đồ tuyến, thời gian, phía cửa mở…).
Mỗi khi tàu đến ga nào, đèn ở khu vực đó sẽ sáng, giúp hành khách dễ nhận biết mà không phải ngó ra ngoài cửa sổ.
Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, tàu do Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo và sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Thành, đây là đầu tàu mẫu nên mọi thứ chưa hoàn thiện, một vài chi tiết buồng lái chưa đầy đủ, phía đầu chưa lắp đèn và trục kéo.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được khởi công năm 2008. Tuyến dài 13 km, khổ 1.435 mm, tốc độ đoàn tàu 80 km/giờ, sử dụng vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tổng mức đầu tư ban đầu gần 8.800 tỷ đồng, tương đương 553 triệu USD. Trong đó, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam gần 134 triệu USD.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2015, dự án phải điều chỉnh vốn lên 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD. Riêng phần vốn vay của Trung Quốc phải tăng thêm trên 250 triệu USD.
Hiện, dự án đã thi công xong 419/419 trụ cầu khu gian, 112/112 trụ nhà ga, 81/112 xà mũ các nhà ga (khoảng 72%), hoàn thành tầng 2, tầng 3 ga mẫu La Khê, 420 cọc khoan nhồi nhà ga Cát Linh...
Sau hàng loạt sự cố chết người tại dự án đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã cảnh cáo Tổng thầu EPC - Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc vì "thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm".
Dự kiến, năm 2016 tuyến đường sắt được đưa vào chạy thử.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải điều chỉnh tăng vốn gấp 1,6 lần, lên gần 870 triệu USD. Phần lớn trong số đó nằm ở chi phí thuộc hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc.
Ngày 29/10 - 30/11, toa tàu mẫu của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ lấy ý kiến người dân, chuyên gia.
Đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được trưng bày và xin ý kiến người dân, các cơ quan chuyên môn từ 20/10 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội).